• 06/11/2013 17:23:02 | 1046 lượt xem

7 điểm nên đến khi về với Thủ đô

Bạn đã chuẩn bị một chuyến đến thăm Hà Nội - Thủ đô văn hiến. Tuy nhiên bạn chưa biết nên đến những địa điểm nào và đi những đâu trong khoảng thời gian có hạn. Hãy tham khảo một số điểm dưới đây để tự thiết kế cho mình một chuyến đi phù hợp nhé.

   1. Lăng Bác - Viện bảo tàng Hồ Chí Minh

  
Lăng được xây trên nền cũ của Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản tuyên ngôn Độc Lập khai sinh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở đây, bạn sẽ vào viếng Bác và thăm toàn thể khu di tích lăng bao gồm: vườn cây (có đủ các loại cây đặc trưng của 3 miền Bắc, Trung, Nam), nhà sàn và ao cá Bác Hồ...

Quảng trường Ba Đình và lăng Bác

 

   Viện bảo tàng Hồ Chí Minh (nằm ở phía tây của Quảng trường Ba Đình), là nơi lưu giữ hơn 120 ngàn bộ tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

   Lăng Hồ Chí Minh hoạt động vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

   2. Văn Miếu - Quốc Tử Giám

   Đây là quần thể di tích đa dạng, phong phú bậc nhất của Hà Nội và bao gồm hai khu chính:

   - Văn Miếu: được xây dựng năm 1070 và là nơi thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.

   - Quốc Tử Giám - trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng năm 1076. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước.

   Ở đây có hồ Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), hình vuông. Hai bên hồ là khu nhà bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia đặt trên lưng một con rùa. Hiện còn 82 tấm bia về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779.

    3. Chùa Một Cột

   Nằm trong quần thể chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ). Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình, ở bên phải Lǎng Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

   Chùa chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng chùa được xây dựng theo giấc mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên toà của vua Lý Thái Tông (1028-1054).

   4. Bảo tàng Dân Tộc Học

    Là nơi sưu tầm, phân loại, đánh giá, bảo quản, phục chế, trưng bày, giới thiệu và khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.

   Bảo tàng gồm hai khu vực chính: trong nhà và ngoài trời.

   * Khu vực trong nhà gồm: nhà trưng bày, cơ sở nghiên cứu, thư viện, hệ thống kho bảo quản, hệ thống các bộ phận kỹ thuật, hội trường... Khu vực này có diện tích 2.480m², trong đó 750m² dành cho kho bảo quản hiện vật.

   * Khu ngoài trời: Không gian trưng bày ngoài trời giới thiệu những phong cách kiến trúc đặc trưng nhất của cỏc dân tộc ở Việt Nam. Hiện tại đã có trưng bày về ngôi nhà dài Ê-đê, nhà sàn Tày, ngôi nhà nửa sàn và nửa trệt của người Dao, nhà mái lợp bằng gỗ pơ-mu của người Hmông, ngôi nhà Việt với mái lợp ngói, ngôi nhà mồ Gia-rai, nhà Rông của người Ba-na, ngôi nhà Chăm và ngôi nhà đất trình tường của người Hà Nhì. Trong tương lai, Bảo tàng dự định trưng bày ngôi nhà mồ của dân tộc Cơ-tu và khuôn viên hoàn thiện của ngôi nhà Việt. Một số loại cây thuộc địa phương của mỗi ngôi nhà cũng được mang đến và trồng tại đây. Bảo tàng đang dần hoàn thiện không gian trưng bày ngoài trời.

   5. Hồ Hà Nội

   Có 2 hồ lớn bạn nên đến đó là Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây.

Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Tây

   - Hồ Hoàn Kiếm: tên gọi gắn liền với truyền thuyết vua Lê trả gươm rùa vàng ai cũng biết. Hồ nằm giữa những khu phố cổ và là một trong những danh thắng của Hà Nội. Quanh hồ trồng nhiều loại hoa và cây xanh. Giữa hồ có tháp Rùa, cạnh hồ có đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ còn có những di tích lịch sử khác như tượng vua Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc, tháp Bút, đền Bà Kiệu,... bên cạnh những công trình kiến trúc hiện đại. Toà nhà Bưu điện với tháp đồng hồ cổ kính in bóng hồ Gươm đã đi vào lòng nhiều người dân Hà Nội.

   - Hồ Tây: từ xa xưa đã là thắng cảnh nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội. Xung quanh hồ có những di tích lịch sử văn hóa như: làng Nghi Tàm, làng Nhật Tân, chùa bà Đanh, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc. Đến đây, bạn có thể thả hồn dạo chơi trên đường Thanh Niên (trước gọi là đường Cổ Ngư) nằm giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Vào những ngày đẹp trời, rất đông người dân Hà Nội đi dạo quanh hồ hoặc chèo thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp.

   6. Phố cổ Hà Nội

   Là tên gọi thông thường của một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long. Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, phố Thuốc Bắc,... Ngoài ra một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa, như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch...

   Một đặc trưng nữa của khu phố cổ là kiến trúc nhà cổ trong khu phố buôn bán. Những nhà cổ chủ yếu là nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều. Hình ảnh nhà cổ và mái ngói đã đi vào hội họa, thơ ca. Những ngôi nhà này chủ yếu được dựng vào thế kỉ 18 - 19, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói.

   7. Làng gốm Bát Tràng

   Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng (gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể đi theo đường bộ hoặc đường thủy để đến Bát Tràng.

   Lịch sử phát triển làng nghề đã trải qua hàng trăm năm nay. Đến đây bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các quy trình làm gốm và tham quan các sản phẩm gốm nổi tiếng không những trong nước mà cả trên thế giới.

 
Tác giả: Nguyễn Thị Vân
Nguồn tin: www.dulichxanh.com.vn

Các bài viết khác

BACK TO TOP