- 27/08/2014 10:47:47 | 1047 lượt xem
Định Bắc Trường Thành – Võ Thắng Quan
Theo như thực địa hiện nay và đối chiếu với bản đồ lịch sử thì Định Bắc Trường Thành kéo dài từ chân núi Đầu Mâu (Quảng Ninh) đến giáp tả ngạn sông Nhật Lệ. Chúa Nguyễn từ khi vượt Đèo Ngang đã ý thức về việc cát cứ một vùng non nước theo lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái/ Vạn đại dung thân” nên đã cho chuẩn bị hệ thống phòng thủ với bốn bức lũy thành chính, đó là: Lũy Trường Dục xây dựng năm 1630, Lũy Đầu Mâu xây dựng năm 1631 (đến năm 1662 lũy được bồi trúc thêm gồm cả Lũy Trấn Ninh), Lũy An Náu xây dựng năm 1631, Lũy Trường Sa xây dựng năm 1634.
Ảnh: Dấu tích Lũy Thầy ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Lũy Trấn Ninh còn gọi là Lũy Thầy. Lũy này do ông Đào Duy Từ chỉ huy quân sĩ đắp nên vào đời Nguyễn Phúc Nguyên con thứ 6 của chúa Nguyễn Hoàng để phòng ngừa quân Trịnh tấn công. Đào Duy Từ là một người giỏi mưu lược nên được quan quân nhà Nguyễn lúc bấy giờ suy tôn làm bậc thầy.
Trải qua một thời gian dài với bao biến cố, bao thăng trầm của lịch sử, những dấu tích còn giữ lại được đến nay rất quý giá. Khách tham quan từ trung tâm thành phố Đồng Hới muốn đến với Lũy Thầy có nhiều cách.
Nếu du khách xuất phát từ Quảng Bình Quan, qua hai xã Đức Ninh và Nghĩa Ninh (Đồng Hới), đến đường mòn Hồ Chí Minh, đi về phía cầu Long Đại (Quảng Ninh) thì Định Bắc Trường Thành nằm về phía trái gần cung đường đoạn giữa có tấm bia di tích dựng cao khắc đậm nét. Con đường thứ hai, du khách có thể theo tuyến chính Quốc lộ 1A, đi qua phía Nam cầu Dài chừng 4km, khi qua chợ xép làng Lương Yến có con đường bê tông đi thẳng về phía Tây, vượt hết cánh đồng rồi cắt ngang Lệ Kỳ Hương rẽ về phía Bắc một đoạn là đến lũy và gặp Võ Thắng Quan rêu phong còn án ngự.
Có lẽ, trong tất cả hệ thống tuyến lũy hiện nay thì phần đầu của lũy Định Bắc Trường Thành là giữ lại được bộ dạng gần như còn nguyên vẹn nhất.
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần – “Đào Duy Từ với việc đắp lũy Nhật Lệ”, thì: “Đào Duy Từ cùng với Nguyễn Hữu Dật trực tiếp trông coi việc đắp lũy Nhật Lệ. Duy Từ họp dân, tính toán công việc để cho đắp. Lũy đắp xong cao một trượng năm thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, với năm bậc lên xuống, voi và ngựa có thể đi lại được. Lũy đắp theo con khe dài hơn ba trăm trượng, cứ mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn (súng bắn tầm xa), cách ba trượng hoặc năm trượng (tùy chỗ) thì lập một pháo đài ở trong có đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Trải qua mấy tháng mới đắp xong, lũy ấy thành nơi ngăn chia hai miền Nam, Bắc. (Đào Duy Từ) lại còn đặt xích sắt chắn ngang cửa bể Nhật Lệ và cửa Minh Linh”.
Với Võ Thắng Quan (nhận xét qua mắt nhìn), đây là một kiểu kiến trúc xưa còn giữ lại sự nguyên vẹn của dấu tích lũy thành này. Những đường nét sắc cạnh, không uốn lượn cầu kỳ, cho ta biết thêm cái thế vững vàng của một môn quan quân sự Trung cổ. Đứng trên mặt ngang của Võ Thắng Quan, ta cảm nhận thế bất di bất dịch như một khối bê tông cốt thép trấn ngự. Mỗi chiều cạnh chừng 7m, vuông vắn; hai bên có lối theo từng bậc cấp để quan quân lên xuống quan sát trận thế. Mặt trong quan được uốn vòm kín với kỹ thuật điêu luyện của những tay thợ nề giỏi. Hai cánh cửa khép kín có then gài vừa tầm, đứng cao sừng sững án ngữ đầy uy thế của loại thiết mộc. Mỗi cánh cửa ước nặng hàng tấn.
Lũy Nhật Lệ, Lũy Thầy hay là Định Bắc Trường Thành nay đoạn đầu lũy còn giữ được dấu tích nguyên vẹn mới thấy rõ sự hiểm yếu của một thế chiến thuật mà Đào Duy Từ khơi dựng lên. Cho đến nay, trừ các hệ thống giao thông cắt ngang qua thì hầu hết địa hình của lũy gần như còn nguyên vẹn. Vẫn thế lũy cấu tạo hình bán nguyệt, hai phía có sông sâu, có bùn lầy và Võ Thắng Quan trấn ngự ở đó như một tiền tiêu lợi hại. Kết hợp với đồn Mang Cá phía trước Trung Nghĩa làm chốt trinh sát nhằm phát hiện được sớm quân do thám họ Trịnh đến rình rập bất kể ngày đêm.
Đến tham quan đoạn đầu Định Bắc Trường Thành và Võ Thắng Quan sẽ giúp chúng ta củng cố thêm khái niệm về một sách lược quân sự bằng tính nhận định mang ý nghĩa lịch sử mà nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Tú đã từng ghi trong Địa chí Đồng Hới như sau: “Chính đoạn đầu lũy và Võ Thắng Quan là thành lũy bảo vệ sự an nguy cho Động Hải, Nhật Lệ; mà Động Hải, Nhật Lệ là yết hầu của cả xứ Đàng Trong, suốt từ 150 năm (kể từ khi có lũy năm 1630 đến năm 1774) nó giúp chúa Nguyễn giữ vững biên cương địa đầu miền Nam nước Việt, để chúa Nguyễn gây dựng sự nghiệp nước Việt ở miền Nam”.
Định Bắc Trường Thành trong hệ thống Lũy Thầy còn lưu giữ được là một di sản văn hóa lịch sử vô cùng quý giá và nơi đây đã có nhiều du khách gần xa đến tham quan. Nhiều người còn có cảm hứng đề thơ, như vua Thiệu Trị đã vịnh Lũy Thầy và cho khắc thơ lên bia đá dựng ngay đầu móng cầu phía Bắc cầu Dài. Ba bài thơ được lấy tên chung là “Định Bắc Trường Thành hoài cổ, tam tác thủ” (Nhớ Định Bắc Trường Thành xưa, làm ba bài thơ). Ba bài thơ là sự ngợi ca chiến tích oanh liệt của các bậc tiên vương, các bậc trung thần giúp vua giữ nước.
Sau này, nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng khi đi qua Định Bắc Trường Thành cũng đã viết lên vần thơ:
Bể dâu thay đổi mấy triều vương
Lũy cũ xanh xanh một dải trường
Rêu đá lờ mờ kinh Hổ Trướng
Gió lau heo hắt phủ Long Cương
Non sông trơ đó Thày đâu vắng
Con cháu còn đây giống vẫn cường
Công đức miệng người bia tạc mới
Nghìn thu mấy kẻ biết trông gương.
Định Bắc Trường Thành, Võ Thắng Quan còn đó như sự lưu giữ dấu ấn lịch sử cha ông xưa để bao thế hệ chúng ta được biết đến. Được biết, hiện nay, các di sản này không được tu bổ, quản lý chặt chẽ; hai phía chân lũy kéo dài hàng cây số đang bị người dân canh tác tự do bằng việc trồng cây nông nghiệp thời vụ như sắn, khoai. Việc cuốc, xới đất liên tục đã làm thành lũy lở, xói mòn nhiều đoạn khiến du khách khi đến tham quan nơi đây hết sức khó khăn. Nên chăng, các cấp, các ngành liên quan cần có biện pháp bảo vệ, tu bổ để Định Bắc Trường Thành ngày càng thu hút được nhiều du khách tham quan khi đến với Quảng Bình.
* Liên hệ tư vấn: Du lịch Xanh Quảng Bình
Số 64 Hoàng Diệu - Nam lý - Đồng Hới - QUảng BÌnh
Tel: 0523 836333 ( giờ hành chính) - 0912 459 912
Email: ketoandulichxanhqbvn@gmail.com-