- 29/12/2016 09:39:41 | 1429 lượt xem
Du lịch Quảng Bình 2017: Đặc sản Quảng Bình – Đến Quảng Bình mua gì làm quà ?
Những món ăn dân dã và đặc sản Quảng Bình thì rất nhiều, song cũng như bao vùng đất khác, ngoài những món ẩm thực được dùng tại chỗ thì Quảng Bình còn có những sản phẩm ẩm thực phục vụ cho khách du lịch làm quà cho người thân, bạn bè và gia đình. Để có được những món quà độc đáo ý nghĩa sau chuyến du lịch Phong Nha xin giới thiệu với du khách một số món ăn làm quà đặc sản của vùng đất này .
Khoai deo
Khoai lang là món ăn dân dã, quen thuộc với người dân mỗi vùng miền từ khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ bình dân đến sang trọng như khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, khoai nấu canh, khoai nấu chè, khoai làm bánh, làm mứt… Nhưng khoai deo thì không phải ai cũng biết đến. Đó là đặc sản mà chỉ Quảng Bình mới có.
Thưởng thức khoai deo mọi người sẽ có cảm giác là lạ, mà lại quen quen. Những ai mới thưởng thức lần đầu sẽ thấy quen nhưng khó có thể nhận ra đó là khoai lang. Nhưng thử một lần sẽ “nghiện” và nhớ mãi hương vị của nó.
Khoai deo từ lâu đã trở thành đặc sản của Quảng Bình. Người ở phương xa về, hay người từ nơi khác đến lúc ra đi, không ai mà không mang theo thứ khoai deo đậm đà hương vị đất Quảng này làm quà. Chợ Đồng Hới là nơi bày bán khoai deo ngon và rẻ nhất.
Những ngày thời tiết se lạnh, có dăm bảy miếng khoai deo với chén trà nóng thì còn gì bằng. Đưa từng miếng khoai lên miệng, rồi nhấp ngụm trà. Vị ngọt, deo của khoai kết hợp với vị hơi đăng đắng của trà và hương thơm nồng nàn tạo nên một dư vị khó quên!
Mực khô
Mực khô là một trong những đặc sản nổi tiếng của người dân Quảng Bình. Mực khô được đánh bắt từ vùng biển Quảng bình có thân dày, độ ngọt cao..những đặc điểm có được nhờ biển Quảng Bình có độ mặn cao. Theo những người chuyên nghề câu mực thì họ hàng nhà mực gồm nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim… tất cả đều ngon và bổ.
Dân chài đi câu mực thường vào lúc 1 – 2 giờ sáng. Chiếc thuyền lớn chở các “thúng” ra đến ngoài khơi xa, người câu mực ngồi vào thuyền thúng và bắt đầu công việc của mình. Dưới ánh sáng của bóng đèn tròn, mực lá cứ tự tiến đến gần, người câu mực câu lên khá dễ dàng. Khoảng thời gian câu mực kéo dài từ 2 giờ đêm đến 10 giờ sáng. Câu được con mực nào, họ bỏ lên thuyền, có người chuyên lột da, xẻ mực và treo mực thành hàng lên sợi dây căng sẵn, hoặc họ sẽ mổ mực và phơi ngay lúc thuyền cập bến.
Khi nướng mực cần nướng kỹ trên lửa than liu riu, không để lửa già. Con mực có mầu trắng tinh, khi nướng chín chuyển sang mầu vàng. Lửa nướng vừa phải, con mực sẽ chín, cả trong cả ngoài, bay tỏa mùi thơm ngon ngọt tự nhiên. Nếu để lửa già quá, con mực chỉ cháy vàng bên ngoài, còn bên trong thịt vẫn sống. Đặc biệt mực nướng bằng cồn là ngon nhất.
Món mực không chấm với các loại nước chấm nào khác ngoài tương ớt. Khi ăn miếng mực ngọt lịm, mềm mềm, thơm phức, hòa quyện với vị cay nồng của tương ớt. Du khách có thể mua mực khô ở các chợ của Quảng Bình, đặc biệt là tại các chợ của những vùng ven biển như: chợ Đồng Hới, chợ Hoàn Lão, chợ Cảnh Dương, chợ Thanh Khê… Ai đi qua hay ghé thăm Quảng Bình quê tôi nhớ mua mang ít mực khô làm quà, đậm đà tình cảm quê hương.
Ruốc Hải Thành
Con ruốc là loài giáp xác 10 chân, dạng như con tôm nhỏ, chỉ lớn 1-4cm. Người trong Nam gọi “tép” nhỏ, người Hà Tĩnh gọi “moi”, người miền Trung gọi “khuyết”.Ruốc là loại sinh vật nhỏ bé, giống như hạt cát, có màu nâu đỏ và mùi tanh của tôm cá. Đây là đặc sản không dễ có ở những vùng quê khác. Ở vùng cửa biển Nhật Lệ, ruốc tháng sáu ngon nhất. Ngạn ngữ Đồng Hới nói: “Ruốc tháng Sáu là máu rồng”. Đó là một cách nói ẩn dụ, hàm ý rằng ruốc tháng sáu quý hiếm vì ít năm ruốc tràn về trong tháng Sáu và đối với người Việt chúng ta, cái gì thuộc về rồng, phượng đều mang ý nghĩa tốt, đẹp, hiếm quý; đồng thời ngạn ngữ này cũng mang ý nghĩa so sánh: ruốc tháng Sáu làm ra đỏ như máu rồng. Thế là theo dân gian, ruốc tháng Sáu ngon quý về chất, đẹp về màu sắc.
Tới mùa, cứ 1 tô muối, 5 – 7 tô ruốc tươi hay nhiều hơn nữa tùy chế biến mặn – lạt, ướp chừng một ngày rồi đem vắt thật xiết con ruốc cho ra nước đem phơi – gọi là mắm tròn. Lấy xác ruốc phơi khô, quết mịn bỏ vào vịm mắm tròn, khuấy đều, phơi nắng. Đến khi đảo, dậy mùi thơm là có thể dùng được. Mắm ruốc đặc sệt, có mùi thơm đặc biệt đâm tỏi, ớt, đường, chanh pha mắm ruốc vào ăn với cơm trắng cũng… cạn tô , dùng để chấm với rau, dưa, cà, thịt luộc hay bún, bánh đúc… đều khỏi chỗ chê
Con ruốc tươi luộc, nấu canh rau, canh khoai tía, khoai môn nhiều lúc ngon ngọt hơn tép. Còn con ruốc khô như một loại thực phẩm “cứu sinh” người dân nghèo miền Trung. Khi mùa giông bão tới cũng là lúc ruốc khô đã yên vị từng bao trên dàn bếp, chợ búa khó khăn, xúc con ruốc khô ra nấu với mồng tơi, đọt khoai sau hè nhà. Bào vài trái dưa leo, đâm nước mắm tỏi ớt, rang sơ con ruốc khô với ít mỡ; tất cả bóp chung lại thành món gỏi mát miệng, mặn mòi mà ngon lạ.
Bánh tráng Tân An
Nhắc đến làng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch – Quảng Bình), người ta nghĩ ngay đến bánh tráng, loại nguyên liệu làm nên món cuốn tuyệt vời của vùng đất ven sông Gianh.
Sản phẩm bánh mè xát đã được người dân Tân An làm ra cách đây hơn 100 năm. Gạo làm bánh được chọn từ các loại gạo ngon, ngâm kỹ trong nước lạnh 3-4 giờ rồi vớt ra đãi sạch, cho vào cối nghiền thành bột sền sệt, trộn với mè đã xát vỏ, sau đó đem tráng phơi trên những chiếc phên đan bằng tre, nứa. Khi bánh đã khô, người ta đem vào ủ lại cho mặt bánh phẳng rồi mới bóc khỏi phên và đóng gói mang đi tiêu thụ.
Bánh gồm 2 loại, chủ yếu là bánh dày để nướng và bánh mỏng dùng để cuốn ram (bánh đa nem). Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều năm qua người dân nơi đây còn sản xuất ra loại bánh mè xát đường, có vị ngọt, béo và khá dẻo nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển xa, khi nướng lên thơm phức. Bánh Tân An thơm ngon, chất lượng cao, giá lại phải chăng nên được nhiều người ưa chuộng.
Rượu Võ Xá
Quảng Ninh cũng là địa danh nổi tiếng có nhiều đầm lầy, cát trắng ven biển. Đầm lầy nhiều nhất là ở khu vực làng Võ Xá, đầm lầy nổi tiếng với câu “Sợ nhất Lũy Thầy, sợ nhì đầm lầy Võ Xá” nơi đây từ lâu nổi tiếng với thương hiệu Rượu trắng Võ Xá.
Rượu Võ Xá được sản xuất bằng phương pháp cổ truyền của làng Võ Xá từ hàng trăm năm nay, từ thời Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi Phương Nam, là sự kết hợp tinh tế giữa dòng nước tinh khiết của Động Cát Trắng và gạo thôn quê cộng với công thức lên men độc đáo đã cho ra sản phẩm rượu thơm nồng mà không một loại rượu nào có thể so sánh kịp.
Thương hiệu Rượu Võ Xá ra đời vừa góp phần bảo tồn nét văn hoá ẩm thực của Quảng Bình, vừa nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các sản phẩm truyền thống.
Nước mắm Bảo Ninh
Xã Bảo Ninh là một xã vùng biển của thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), có nghề truyền thống làm nước mắm lâu đời. Người Bảo Ninh tự hào có nhiều đặc sản biển. Nhưng họ tự hào nhất vẫn là nước mắm từ con cá nục mu. Người trong vùng truyền tai nhau câu thơ: “Nguyên chất nước mắm nục mu/Một thìa giá trị bằng mâm cỗ đầy”. Nục mu là loài cá nhỏ như ngón tay, toàn thân là thớ thịt nạc mềm mại. Lúc làm nước mắm, chỉ mới trộn muối thôi đã thấy rỉ nước huyết đỏ hồng ra ngập cả cá. Loại nước mắm này vừa thơm, vừa ngọt, màu sắc sánh như mật ong thượng hạng.
Ở Bảo Ninh, các lão ngư cao niên còn truyền kể câu chuyện chúa Nguyễn rất thích nước mắm nục mu đã sắc chỉ cho loại nước mắm này đứng đầu các loại nước mắm của xứ biển trong vùng. Những năm đầu thế kỷ XX, nước mắm vùng Bảo Ninh đã xuất đến Huế, Sài Gòn ra Hà Nội, sang cả Lào, mỗi ngày không dưới 30 tấn nước mắm.
Nước mắm Bảo Ninh nức tiếng, đến cả tiến sĩ Rôda, Giám đốc Viện Pasteur Sài Gòn đã làm bản phân tích sinh hóa vào năm 1918 và kết luận, đây là dòng nước mắm cho hàm lượng đạm rất cao và ông khuyên nên dùng dòng nước mắm tinh khiết bằng cách làm thủ công này. Bởi theo ông, con nục mu như kết hợp các tinh chất của biển. Con cá tuy nhỏ nhưng những phù du nhỏ bé nhiều năng lượng của biển được nó tiêu thụ một cách hoàn hảo… để con người khai thác, chế biến nó trong cái nắng đượm của vùng đất nhỏ của Trung phần.
Hầu hết các sản phẩm ẩm thực phục vụ du lịch đều gắn liền với những làng nghề nổi tiếng được hình thành và phát triển cùng với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong lịch sử như: bánh tráng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), hải sản khô xã Bảo Ninh, ruốc Hải Thành (Đồng Hới), nước mắm Đức Trạch (Bố Trạch), khoai deo Hải Ninh, rượu Võ Xá (Quảng Ninh)…
Điều đáng nói, các sản phẩm của các làng nghề không chỉ đơn thuần có giá trị sử dụng và phục vụ cho hoạt động du lịch mà ở đó còn kết tinh các giá trị văn hóa truyền thống đang được người dân Quảng Bình lưu giữ và nâng niu. Khi du lịch Quảng Bình bạn có thể mua sắm đặc sản về làm quà cho bạn bè gia đình người thân tại:
Siêu thị đặc sản Quảng Bình
– Địa chỉ: Đường Trương Pháp – bãi biển Nhật Lệ TP.Đồng Hới
Siêu thị đặc sản 24h
– Địa chỉ: Quốc lộ 1A – Bố Trạch
Chợ Đồng Hới: Trung tâm thương mại của tỉnh
– Địa chỉ: Đường Mẹ Suốt – TP.Đồng Hới
– Điện thoại BQL chợ: (052) 3850 057
Siêu thị Hiếu Hằng
– Địa chỉ: 27 Nguyễn Hữu Cảnh – TP.Đồng Hới
– Điện thoại: (052) 3840 969
Siêu thị Thế Anh
– Địa chỉ: 230 Lý Thường Kiệt – TP.Đồng Hới
– Điện thoại: (052) 3500 199