- 21/02/2014 10:14:32 | 1209 lượt xem
Khám phá Ẩm Thực Brazil
Du Lịch Brazil – Thức ăn Brazil phản ánh văn hóa của nó. Trong việc chế biến món ăn, người Brazil pha trộn những cách thức và nguyên liệu nấu nướng của người Châu Âu di cư, nô lệ Phi Châu và người Da đỏ bản địa. Cũng như văn hóa, mức độ ảnh hưởng của mỗi truyền thống tùy thuộc vào từng vùng… Lương thực chính trong bữa ăn của người Brazil lá bột sắn và các loại đậu. Người Da Đỏ vùng bờ biển Đông Bắc đã trồng sắn từ lâu trước khi những người Bồ Đào Nha xuất hiện ở đây. Người Bồ mang đến các loại đậu, cũng như gạo, mía và cà phê. Những lái buôn trở về từ Viễn Đông mang về đinh hương, quế và các loại gia vị khác. Các nô lệ Phi Châu thì có chuối và một loại dầu cọ gọi là Dende. Dầu Dende vẫn là thành phần chủ yếu trong các món ăn vùng Đông Bắc.
Feijoada
Mặc dù có những sự khác biệt tùy theo từng vùng nhưng người Brazil có một món ăn chung trên toàn quốc, đó là món Feijoada. Trong nhiều nhà hàng và gia đình, món này được dùng vào ngày thứ Bảy như một nghi thức cuối tuần.
Món Feijoada cổ điển tại Rio de Janeiro được nấu với đậu đen và vô số các loại thịt nướng hay hun khói. Món ăn này kết hợp cả ba cội nguồn dân tộc của người Brazil. Cùng với gạo, một món bột sắn nướng gọi là Farofa là thành phần chính của Feijoada.
Các nô lệ Phi Châu đã mang đến Brazil công thức làm món Feijoada nguyên thủy. Trong thời kỳ thực dân, các ông chủ giữ phần thịt ngon nhất cho mình, chỉ cho các nô lệ những mẩu đầu thừa đuôi thẹo như móng giò hay lưỡi bò. Người nô lệ ném chúng vào nồi cùng với đậu, cho thêm hành, tỏi và vài thứ gia vị để tạo nên một món phá lấu hổ lốn mà cuối cùng chính các ông chủ cũng phải phát thèm!
Ngày nay, trong nhiều nhà hàng có phục vụ hai loại Feijoada: Feijoada Tipica nấu bằng những loại thịt truyền thống như mũi, tai, lưỡi và đuôi ; Feijoada Moderna nấu với thịt thăn hay lưỡi lợn, bò. Dù nấu theo cách nào thì kết quả cuối cùng vẫn một món ăn ngon lành mà người Brazil sẵn sàng ngồi lì 2-3 giờ liền để ních cho kỳ no mới thôi.
Để mở đầu bữa ăn, họ tráng qua dạ dày với Caiprinha, một thức uống có cồn làm từ chanh, đường và Cachaca, loại rượu chưng cất từ mía. Bữa ăn chính gồm: món khai vị làm từ hai loại đậu, thịt, cơm, Farofa, cam tươi và rau cải xoăn xào, chừng đó món là đủ để các thực khách có được tâm trạng thoải mái trong suốt cả ngày.
Món ăn của người Bahia
Bahia là quê hương của nghệ thuật bếp núc đặc chất Brazil. Ở đây những phong cách nấu nướng Bồ Đào Nha và Phi Châu kết hợp với hải sản và thực phẩm nhiệt đới của vùng bờ biển Đông Bắc đã đem lại một kiểu nấu ăn thực sự độc đáo.
Với người nước ngoài, món ăn vùng Bahia không phải lúc nào trông cũng ngon mắt. Chúng thường giống như một món hổ lốn đựng trong một cái nồi và được đổ lên trên cơm, sắn hay ngô. Nhưng hương vị đậm đà của các nguyên liệu, gồm dầu Dende, nước cốt dừa, tôm hay cá khô, thịt cua và hạt điều – ngay lập tức sẽ chinh phục những ai can đảm nếm thử. Vị cay cay của những trái ớt Malagueta sẽ làm cho món này tăng thêm hương vị. Với những người thích ăn cay hơn, thì lúc nào trên bàn ăn cũng có sẵn một lọ ớt to tướng.
Một số món được dân địa phương nơi này ưa chuộng gồm:
Moqueca: Món hầm gồm dầu Dende, nước dừa, cá hoặc gia thêm ớt Malagueta, tỏi và đinh hương.
atapá: Cũng là một món hầm với những thành phần như trên nhưng đặc hơn vì gia thêm bột sắn. Việc thay đinh hương bằng gừng cũng làm cho hương vị của nó đổi khác.
Caruru: Món này gồm tôm với mướp tây, cả hai được luộc lên, gia thêm hành ớt, sau đó trộn với dầu Dende.
Acarajé: Món ăn nhanh này được ưa thích chẳng khác gì người Mỹ thích bánh mì kẹp thịt. Người ta ngâm và tách vỏ loại đậu Fradinho của địa phương, nấu chúng lên rồi thêm tôm và hành thái hạt lựu vào, sau đó đem xào với Dende.
Chế biến bột sắn
Nông dân vùng Bắc và Đông Bắc Brazil chế biến bột sắn theo cách người Da đỏ vẫn làm từ 400 năm nay. Kỹ thuật chế biến của họ nay đã có sự tiến bộ, nhưng không nhiều lắm.
Sau khi củ sắn được lột vỏ, chúng được băm nhỏ trong một cối xay gọi là Cevadeira. Các lưỡi dao trong cối chuyển động khi quay bánh xe.
Củ sắn có chứa một loại axit rất độc. Để loại bỏ chất này, một cần ép ép xuống đống sắn băm. Nước axit chảy ra ngoài, chỉ còn lại thứ bột nhão bên trong. Thứ bột nhão đó được cho chạy qua một cái sàng để tách riêng những phần xơ thô, gọi là Crueira. Thứ này dùng để cho bò ăn. Loại bột mịn được cho vào một cái thùng không nắp và đảo đều cho đến khi khô hẳn. Thứ bột đó chính là bột sắn.
Thực phẩm của các vùng khác
Hải sản là thực phẩm được ưa chuộng tại hầu hết vùng phía Bắc, như: Sururu, món trai luộc có thêm thịt cua và dầu hàu là món ăn ngon của bang Pernambuco; Pirão, món cháo đặc nấu bằng bột sắn với nước luộc cá, thường được ăn kèm hải sản; Carne de sol (thịt muối khô) – sau khi xả thịt con bò, người ta xát muối vào miếng thịt và treo nó lên giá phơi ra nắng; Buchada, món ăn làm từ phủ tạng dê – theo cách nấu truyền thống thì tất cả đều được nhồi vào dạ dày con dê, khâu lại và ninh trong 4-5 giờ.
Ảnh hưởng của thổ dân Da đỏ vẫn rất mạnh ở vùng phía Bắc, như tên gọi của nhiều món ăn đã cho thấy. Cư dân các bang Pará và Amazonas thường ăn cá Piraruru và Tucunare sống với nước xốt bột sắn gọi là Tucupi. Họ cũng thích nhiều loại trái cây chỉ có ở vùng Amazon.
Ở miền Nam, Churrasco là món ăn phổ biến nhất: thịt xiên nướng nhỏ lửa và phết nước muối cho thêm hương vị. Người Brazil có thể nấu món Churrasco ở nhà, hoặc ra tiệm cho tiện, ở đó, giá một bữa ăn được tính gộp cho tất cả những gì bạn có thể lèn vào bụng.
Trái cây của Brazil
Rừng Brazil có vô vàn thứ trái cây tuyệt vời như Sapotis (Sabôchê), Fruta-de-conte, Maracuja, Pitanga, Umbu, Jaca, Guaraná…
Những hiệu kem ở các thành phố như Belem bang Pará quảng cáo tới 99 loại hương vị, nhưng du khách nước ngoài khó mà phân biệt được chúng. Sau đây là một vài thí dụ về đặc điểm phân biệt trái cây.
Acai: Trái của một loài cọ gọi là Acaixeiro, mọc ở Pará và Amazon. Nó thường được trộn với đường và đựng trong trái bí đỏ mang ra mời khách. Acai còn dùng để làm rượu vang. Người dân miền Bắc thường bảo, du khách nào đã trót nếm qua rượu Acai nhất định sẽ phải quay trở lại nơi đây.
Graviola: Có họ với dứa, thứ trái cây hình bầu dục này nặng từ nửa ký đến 1 ký. Thịt trắng mịn, hạt đen nhánh nằm bên trong lớp vỏ xanh nhạt. Vị của nó nửa giống chuối, nửa giống dứa.
Jabuticaba: Thứ quả mọng màu đen hay đỏ vốn mọc hoang, nhưng nay được trồng tại nhiều vùng ở Brazil. Cùi ngọt, trắng, dùng làm nhân bánh, mứt đặc hay rượu vang.
Jaca: Quả mít của vùng Đông Nam Á. Các lái buôn mang giống này tới Brazil hồi thế kỷ 18 và nó phát triển rất tốt trong khí hậu nhiệt đới. Trái mít có thể nặng tới 15 ký nhưng vị hơi chua. Người Brazil dùng múi của nó làm đồ ngọt hay làm mứt và nướng hạt lên ăn.
Goiaha: Quả ổi, màu vàng, hình quả lê, mọc khắp nơi ở Brazil. Là một trong số những trái cây được người Brazil ưa chuộng vì họ tin rằng nó kích thích sự ngon miệng nếu dùng trước bữa ăn và giúp cho hệ tiêu hóa nếu ăn tráng miệng.
Jenipapo: Lớn cỡ trái táo, thứ trái cây màu vàng nhạt này có nguồn gốc từ quần đảo Antilles. Nó có nhiều ở miền Bắc, nơi người Da đỏ dùng cùi đen của nó để vẽ mặt. Khi chín, vỏ trái này mỏng và mềm, cái cùi mọng nước có vị chua chua ngọt ngọt.
Tập quán ăn uống
Với đa số người Brazil, bữa ăn sáng thường là bữa ăn nhẹ, gồm vài thứ trái cây cùng bánh mì phết bơ và cà phê. Bữa trưa thông thường là bữa chính trong ngày, khi ăn phải mất 2 giờ. Nhiều ông chủ cho phép kéo dài bữa trưa để công nhân có thể về ăn tại nhà. Bữa tối ăn muộn, thường là khoảng 20h30. Giữa bữa trưa và bữa tối, nhiều người có thêm bữa Lanche với một món ăn qua loa gồm cà phê hoặc nước quả.
Giống như việc nói năng cho đúng ngữ pháp, người Brazil xem một bàn ăn được bày biện đàng hoàng là dấu hiệu của sự có văn hóa, chứng tỏ chủ nhà là người có vai vế trong xã hội. Người có văn hóa không dùng tay để bốc đồ ăn, họ dùng dao và nĩa để lấy mọi thứ, kể cả táo, cam, sandwich, chân gà và pizza.
Ngày càng có nhiều cửa hiệu bán thức ăn nhanh kiểu Mỹ mọc lên, khiến cho những quy tắc ăn uống đang dần dần thay đổi, nhưng nhiều người cẩn thận vẫn dùng khăn giấy quấn quanh miếng bánh mì kẹp thịt (hamburger) rồi mới đưa lên miệng.
Trẻ con có thể vừa đi vừa ăn kem trên đường, nhưng nếu người lớn mà ăn uống kiểu đó thì sẽ bị coi là thô lỗ. Ngươi mua đồ ăn từ những hàng bán rong trên đường thường đứng ngay đó mà ăn tại chỗ. Tập quán này xuất phát từ niềm tin rằng nên chia sẻ thức ăn cho nhau. Khi người Brazil ăn uống, dù ở nhà hay trong một quán cóc ven biển, họ sẽ mời bất cứ người bạn nào tình cờ đi ngang. Khi được mời ăn, nếu từ chối một cách thẳng thừng sẽ bị coi là thô lỗ. Tương tự, chủ nhà thường bày ra nhiều thức ăn hơn mức cần thiết để mời khách, và mong mỏi khách sẽ ráng sức ăn cho hết.
Thức uống
Cà phê là thức uống quốc hồn quốc túy của Brazil. Một cafézinho là phần bắt buộc trong phép xã giao, đó là bữa trưa tại nhà hay trong cuộc họp làm ăn tại công sở. Cafézinho có nghĩa là “chút cà phê” pha rất đặc rót vào chừng 1/3 chiếc tách nhỏ. Người Brazil cho thêm nhiều đường để giảm bớt độ đậm đặc của cà phê.
Những người làm ăn luôn bắt đầu cuộc gặp gỡ bằng một cafézinho, vừa uống vừa tán gẫu một tí để lấy đà. Chỉ khi các tách đã cạn thì mới bàn đến chuyện làm ăn nghiêm chỉnh. Trong bữa ăn thì ngược lại, cafézinho được mang ra nghĩa là bữa ăn đã kết thúc. Khi thức ăn còn đầy bàn, chuyện trò chỉ là nhát gừng cho qua, chỉ khi cà phê được đưa ra thì cuộc tranh luận sôi nổi mới thực sự bắt đầu.
Đồ uống ngon và câu chuyện sôi nổi là đặc điểm của các quán nước bên đường ở mọi góc phố Brazil. Dù chỉ trên đường từ bãi biển về tiện thể ghé vào hay hẹn gặp bạn bè từ trước, thì người Brazil nào cũng mất vô khối thì giờ ngồi ở đây. Họ uống các loại nước trái cây như nước dừa hay nước xoài ép và sữa trứng (món sữa trứng được ưa chuộng dùng nhiều thứ như bột lúa mạch sống, lê, đu đủ và chuối); Guarana – thứ rượu nhẹ độc đáo của Brazil làm từ một loại quả nhiệt đới; Bia và Cachaca thường dùng vào buổi tối. Những người pha rượu trộn Cachaca với những thứ hoa quả khác nhau làm thứ đồ uống gọi là Batidas.
Rượu vang ngày càng được ưa chuộng. Hầu hết các loài rượu vang của Brazil được sản xuất ở bang Rio Grande do Sul, nơi có những cánh đồng nho do những kiều dân Ý đầu tiên gầy dựng và họ vẫn đang ra sức nâng cao chất lượng rượu vang của mình.