Chuyến đi này chúng tôi đi theo cung đường xuất phát từ Hà Nội-quốc lộ số 6 đi Xuân Mai (Hà Nội)-đường Hồ Chí Minh-cửa khẩu Cầu Treo (Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh)-Thủ đô Vientian (Lào).
Ngắm đường
Đường Hồ Chí Minh là một cung đường tuyệt đẹp, vắng vẻ, mặt đường tốt, cảnh sắc hai bên đường phần nhiều là đồng cỏ, rừng cây, rất ít nhà dân. Mất khoảng 4 giờ cho 300 km đầu tiên để vào tới huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Từ đây lên tới cửa khẩu Cầu Treo là 30 km, đường đi chủ yếu là đèo dốc, mây mù vây quanh.
Chúng tôi vượt qua khoảng 5 km đường đèo dốc đầu tiên xuyên rừng qua phần phía Tây của dãy núi Trường Sơn huyền thoại. Cảnh sắc hai bên đường làm chúng tôi mê mẩn với những hàng cây cổ thụ đang mua thay lá, thân trắng, thẳng tắp. Bên dưới dòng sông Nậm Pao mùa cạn nước róc rách chảy.
Người ngồi sau thì xuýt xoa cảnh đẹp, còn cánh lái xe mê mẩn với cung đường đèo với những khúc cua tay áo không quá gấp trên nền đường trải nhựa êm ru. Qua đoạn đèo dốc đầu tiên, là con đường thẳng tắp dẫn tới thị trấn Laksao cách biên giới chừng 30 km.
Trước khi qua biên giới, bạn nên mua đầy bình xăng, giá xăng bên Lào đắt hơn gần 7.000 đồng/lít so với Việt Nam. Trạm xăng bên Lào không được hiện đại và rất hay bị...hết xăng.
Từ đây, con đường phía trước mặt trở thành “trường đua” khi “xế’ có thể nhấn ga phóng cả 100 km/h mà cứ như không vì đường thẳng tắp. Ngoài trừ những điểm hạ tốc 50 km/h, 30km/h khi gần tới khu dân cư hoặc trường học, xe ôtô vô tư đi như “bay” trên cung đường này.
Đó là một cảm giác rất thích thú mà cánh lái xe khó có thể trải nghiệm tại Việt Nam. Hai bên đường là những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ xen giữa là những gốc cây cổ thụ, cây bóng mát hay lán nghỉ chân của nông dân Lào.
Điểm ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là cách làm du lịch rất chuyên nghiệp của Lào. Qua thị trấn Laksao, trong 100 km đường đèo dốc phía trước có một điểm dừng chân để ngắm cảnh núi đá rất đẹp phía trước mặt.
Một điểm dừng chân ngắm cảnh đẹp trên đường tới Lào
Tại đây, các bạn Lào cho dựng một căn nhà gỗ theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Lào để khách thăm quan ngắm cảnh. Họ còn có thêm một thùng rác để khách bỏ vào nhằm giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
Theo một lái xe đường dài Việt-Lào thường xuyên nghỉ chân tại đây cho chúng tôi biết, cứ khoảng 1 tuần sẽ có xe rác đi qua thu gom để đảm bảo vệ sinh.
Nơi không có tiếng còi xe
Đã được “nghe tiếng” về sự im lặng của giao thông nơi đây, nhưng đến khi tận mắt nhìn, tận tai nghe trên đường phố tại Vientian chúng tôi mới tin đó là sự thật. Khi chúng tôi vào thành phố cũng là lúc ánh đèn điện trên các tuyến phố chính của thủ đô bật sáng.
Đất nước Lào xinh đẹp và thanh bình.
Dòng phương tiện tham gia trên đường cũng khá đông đúc. Các bạn Lào rất chuộng loại xe pick-up (bán tải) cồng kềnh nhưng tiện dụng. Đường phố ở Vientian cũng không quá thênh thang nhưng sự phân luồng rất tốt, xe ôtô không bao giờ lấn sang phần đường của xe cơ giới cũng như chiếm chỗ của xe được phép rẽ phải.
Vì vậy, mặc dù vào giờ tan tầm nhưng đường xá vẫn rất thông thoáng. Trong khoảng 1 tiếng lưu thông trên các con đường của Lào chúng tôi chỉ duy nhất nghe thấy 1 tiếng coi xe do…tài xế của chúng tôi quen tay ấn nhầm!
Những kinh nghiệm bỏ túi
Tự lái xe đi du lịch bên Lào khá nhàn nhã cho cung đường từ cửa khẩu Cầu Treo sang thủ đô Vientian. Tuy nhiên, nếu bạn muốn lái xe để thăm cố đô Luang Prabang thì đoạn đường đi khá vất vả vì đường chủ yếu là đèo núi, cua nhiều.
Từ Vientian đi Luang Prabang phải mất 10 tiếng cho quãng đường trên 300 km. Nếu bạn xuất phát từ cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), phải mất 2 ngày mới đi tới Luang Prabang (không nên đi tối vì không quen đường và rất nhiều mây mù).
Bạn nên mua bảo hiểm ngày cho xe của mình (mất khoảng 100.000 VND), luôn tuân thủ luật giao thông vì cảnh sát bên Lào cũng bắt khá mạnh tay với những người phóng nhanh, vượt ẩu.
Phanh là bộ phận cần kiểm tra kỹ lưỡng nhất trước chuyến đi, tiếp đó tới lốp xe vì đường của bên Lào có đó ma sát khá cao.
Từ Vientian, bạn cũng có thể đi sang vùng Đông Bắc của Thái Lan, tuy nhiên, nên gửi xe ở lại Lào. Thái Lan là một trong số ít nước lái nghịch (giống Vương Quốc Anh). Nếu muốn lái xe sang, bạn phải có xe cảnh sát..dẫn đường.
Nếu muốn mang xe ôtô sang Lào bạn có thể tới làm thủ tục tại Sở giao thông công chính nơi đăng ký xe. Thủ tục gồm: đơn đề nghị cấp phép liên vận Việt - Lào có xác nhận của UBND xã, phường nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu (theo mẫu); tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho mỗi phương tiện; giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản sao); giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản sao); giấy phép lái xe (bản sao); giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bản sao).
Thời hạn cấp phép cho xe cá nhân đi việc riêng tối đa không quá một tháng. Lệ phí cấp giấy phép là 50.000 đồng/lần/phương tiện.
Món thịt bò nướng của Lào
Không thể bỏ qua:
- Ăn uống: Đồ ăn bên Lào chủ yếu là các món nướng, lẩu, xào. Họ ăn khá cay nên bạn lưu ý nhắc chủ quán giảm lượng ớt để khỏi “khóc” khi ăn.
- Khách sạn: Nếu bạn dự định chu du trên xe để đi thăm thú, bạn nên thuê khách sạn giá rẻ từ 12$-18$/đêm (Liên hệ khách sạn Mina gần tượng đài chiến thắng, đường Lanxang, điện thoại: 0856021.244.412, bà chủ biết nói tiếng Việt).
- Bạn nên đổi tiền Kip (hoặc Bath) tại các cửa khẩu hoặc ngân hàng để được tỉ giá tốt nhất (1000 kip=2.300 VND)
Shopping: chợ Morning Market có đủ các mặt hàng từ quần áo đến đồ ăn, thức uống. Tuy nhiên, bạn phải biết trả giá xuống còn ½ hoặc 2/3 để không bị mua hớ.
- Có 7 cửa khẩu đi sang Lào từ Bắc vào Nam: Cửa khẩu Tây Trang (tỉnh Điện Biên); Cửa khẩu Na Mèo (tỉnh Thanh Hóa); Cửa khẩu Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An); Cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); Cửa khẩu Cha Lo (tỉnh Quảng Bình); Cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị); Cửa khẩu Pơ Y (tỉnh Kon Tum).