- 30/01/2014 16:25:29 | 2160 lượt xem
Xuân về trên đỉnh Hàm Rồng, Sapa
Thị trấn Sa Pa chìm trong làn sương và hơi lạnh. Những dải mây trắng bồng bềnh quấn chân du khách đang men theo từng bậc tam cấp lên sân mây. Cánh đào rừng chúm chím như đôi môi thiếu nữ thưở 18, ấy là lúc xuân về trên đỉnh Hàm Rồng.
Đến Sa Pa, tôi chọn một căn phòng ngay dưới chân núi Hàm Rồng để có thể ngắm thị trấn bồng bềnh trong sương sớm. Đây cũng là nơi có thể đến nhà thờ đá Sa Pa một cách nhanh nhất.
Buổi sáng, chạy ào ra ban công, cả thị trấn thu trọn trong tầm mắt. Phố núi Sa Pa thức khuya và dậy muộn như một thiếu nữ thành thị vậy. Ai đó bảo Sa Pa hôm nay không còn nguyên sơ và tĩnh lặng như trước đây, có phần đúng nhưng thị trấn nhỏ xinh này vẫn đủ sức đưa ta về một thoáng bình yên sau những guồng quay tất bật của cuộc sống hối hả nơi phồn hoa đô hội. Chỉ hít hà không khí trong lành thôi cũng là quá đủ cho buổi sáng ở Sa Pa rồi.
Đầu giờ chiều, tôi bắt đầu hành trình khám phá ngọn núi thấm đẫm sắc màu huyền thoại. Có nhiều cách lí giải về núi Hàm Rồng, nhưng tôi vẫn thích nhất tích truyện kể rằng: Thủa hồng hoang, có đôi rồng đang mải mê quấn quýt bên nhau trong khi cơn hồng thuỷ đang ào ạt dâng sóng mà vẫn không hay, đến khi choàng tỉnh, hốt hoảng rời nhau, rồi quẫy mình lên, nhưng không kịp. Tức thì mỗi con rời ra một nơi. Đến bây giờ rồng nàng tuy hoá đá nhưng bản năng sinh tồn mãnh liệt vẫn cố ngước nhìn theo rồng chàng bên dãy Hoàng Liên phía Tây. Ngọn núi rồng nàng, trong truyền thuyết, chính là núi Hàm Rồng ngày nay.
Sự kì diệu của thiên nhiên và bàn tay sáng tạo của con người đã đem đến cho núi Hàm Rồng một vẻ đẹp không trộn lẫn. Đường dẫn lên núi Hàm Rồng ngập trong sắc màu của thổ cẩm và những hàng tạp hoá bán nấm hương khô, măng khô, nấm linh chi,…
Men theo từng bậc đá, đến lưng chừng núi là cả một vườn lan đang độ khoe sắc, nào là lan tiêu thân gỗ, nào là lan kiếm trần mộng, kiếm thu, lan hài… Những đoá lan vàng, lan trắng nở dài như suối tóc của người con gái. Màu sắc rực rỡ của vườn lan xua đi cái lạnh giá của vùng cao.
Lan được trồng trong giỏ, trong chậu và lan mọc trong kẽ đá, lan tầm gửi trên thân cây rừng như một chiếc nơ. Những chậu lan to được bọc ô dưới gốc nhìn rất lạ mắt.
Trên đường đi, tôi còn được chiêm ngưỡng Vườn tượng 12 con giáp, khu ruộng bậc thang thu nhỏ và ngắm nhìn du khách xúng xính trong những bộ trang phục dân tộc Mông, Tày, Dao,… cho thuê trên núi.
Qua cổng trời gặp sân mây
Để lên tới sân mây, khách bộ hành sẽ phải nép lại, cúi thấp người và băng qua một khe đá hẹp chỉ đủ để một người đi qua. Thiên nhiên luôn kiến tạo những địa hình đầy thử thách mà càng khó khăn, con người lại càng muốn khảo nghiệm. Lách qua khe đá sẽ là một không gian hoàn toàn khác, sân mây đã hiện ra trước mắt và ai đến đây hẳn sẽ vô cùng choáng ngợp bởi thiên nhiên hùng vĩ. Những bậc cầu thang sắt dẫn lối du khách lên đài quan sát trên cao. Phóng tầm mắt ra xa là muôn trùng núi non, mây ở đằng xa, mây ở rất gần, mây quấn chân du khách. Nhìn xuống dưới, cả thị trấn thu nhỏ trong tầm mắt. Cảnh sắc hiện ra bồng bềnh như ở cõi tiên.
Con đường từ sân mây xuống núi ngập tràn sắc hoa đào phai cổ thụ. Thấp thoáng màu trắng tinh khôi của những bông hoa mơ, hoa mận.
Đám trẻ con dân tộc Dao vô tư chơi đùa trên những con thú nhún đã cũ và phai màu thời gian. Ánh mắt và nụ cười trong trẻo của các bé như thêm sắc, thêm màu cho ngọn núi mùa xuân.
Khi tôi chạm chân xuống những bậc tam cấp cuối cùng cũng là lúc thị trấn chuẩn bị lên đèn. Sương và gió núi táp vào mặt mà không cảm thấy lạnh bởi hơi ấm toả ra từ những bếp lửa của hai dãy hàng đồ nướng bên đường. Du khách khó mà làm ngơ được trước mùi thơm của khoai, của ngô, độ dẻo của cơm lam, vị béo ngậy của những xiên bò cuộn cải mèo, thịt lợn, cá, cà nướng. Cái thú của đồ nướng ở Sa Pa là thưởng thức vào lúc màn đêm đã bao trùm toàn thị trấn.
Cả một hành trình trọn vẹn lên và xuống, núi Hàm Rồng không bắt du khách phải cuồng chân đi gấp hay vội vã. Thư thả bước chân thôi và từ từ tận hưởng.
Phương Nhung