• 27/08/2014 14:58:08 | 2199 lượt xem

Bảo tồn đa dạng sinh học của hệ cá ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự cho rằng, để bảo tồn đa dạng sinh học hệ cá ở Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình cần có nhiều biện pháp, trong đó phải dựa vào những giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa. 

 

 

Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự giới thiệu các tiêu bản cá quý đang lưu giữ tại nhà mình. (Ảnh: nguồn nld.com.vn)

Trong một đợt khảo sát đa dạng sinh học cá tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào năm 2011, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự đã tìm hiểu, sưu tầm được 212 loài và phân loài cá nằm trong 38 dòng họ thuộc 10 bộ khác nhau. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hiện có hơn 1/3 loài cá nước ngọt của toàn quốc. Điều này đã khẳng định: Phong Nha – Kẻ Bàng không những có tính đa dạng sinh học cá cao mà giá trị đa dạng nguồn gen về cá cũng hết sức quý hiếm. Đặc biệt, nguồn gen này xuất phát từ 2 nguồn gốc địa lý động vật Bắc Việt Nam – Hoa Nam và Mekong càng làm tăng thêm giá trị về mặt chất lượng và số lượng đa dạng sinh học của hệ cá ở đây. 

Để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của Phong Nha – Kẻ Bàng, các nhà nghiên cứu khoa học đều cho rằng: ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành thì Quảng Bình phải dựa vào những giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa, cụ thể là đồng bào các dân tộc sống trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới. Bởi, bên cạnh giá trị về thiên nhiên, Phong Nha – Kẻ Bàng còn có giá trị văn hoá con người. Những tộc người nổi tiếng như Ma Coong, Arem, Rục và nhiều tộc người khác sống ở vùng lõi, vùng đệm của Phong Nha – Kẻ Bàng đã gắn bó lâu đời với thiên nhiên. Vì vậy, muốn bảo tồn bền vững, hiệu quả những giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới chúng ta cần phải gắn kết với việc bảo tồn văn hoá của các tộc người. 

Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự cho rằng: “Một điều mà tôi thấy hiếm có trên thế giới, đó là tộc người Ma Coong ở Rào Bụt, họ có một tập tục rất cổ xưa nhưng mà cực kỳ hiện đại, người ta có hòn đá thần Klongjeng (nghĩa là vàng). Tôi thấy không hiểu tại sao từ xưa mà họ lại có kiến thức hiện đại như thế này. Người dân không phải làm nương rẫy thì cấm đánh bắt ở vùng mà có nhiều bãi đẻ của các loài cá quý. Tôi hỏi cái này xuất phát từ đâu thì dân cũng không biết, người ta nói rằng từ khi có mấy nóc nhà mới mọc lên đã xây dựng tập tục đó, mãi sau này người ta vẫn còn theo, bây giờ có lễ hội đập trống xuân. Tôi thấy đây là điều cần phải phát huy”.

Theo lời kể của Tiến sĩ Nguyễn Thái Tự, chúng tôi đến xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch - nơi chủ yếu là đồng bào Ma Coong sinh sống. Từ thành phố Đồng Hới lên Thượng Trạch chỉ có con đường 20A độc đạo lọt thỏm giữa cánh rừng già với những ngọn núi cao. Quảng đường chỉ dài khoảng 100km nhưng phải mất hơn nửa ngày đường mới đến với xã biên giới rẻo cao này. 

Xã Thượng Trạch nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Từ xa xưa, người Ma Coong ở đây có nhiều tập tục và tín ngưỡng thể hiện nét văn hoá ứng xử đối với môi trường tự nhiên rất hài hoà và phù hợp trong những điều kiện môi trường cụ thể.

Lễ hội Đập trống là tập tục có từ lâu đời của người dân Ma Coong mang đậm nét văn hoá ứng xử với thiên nhiên nói chung và tài nguyên cá nói riêng. Lễ vật để tế trời trong ngày hội là 18 hũ rượu cần, 18 con gà, 24 con cá và 6 típ xôi để bày trên 6 mâm cúng. Toàn bộ lễ vật này được đóng góp từ mỗi hộ gia đình thuộc 18 bản của xã Thượng Trạch. Riêng cá để cúng trong lễ hội phải là cá được bắt từ đoạn suối cấm.

Suối cấm là một đoạn suối thuộc khe Aky gồm có 7 vực: Clong A xốc, Clong Gièng, Clong Piệc cu peng, Clong Nồng, Clong Tuốc, Clong Cốc, Clong Piêc cà trời. Đoạn suối dài 500m nằm giữa 2 bản là Bụt và Noòng mới. Thời gian bắt đầu cấm đánh bắt cá là vào khoảng rằm tháng 5 âm lịch, sau khi dân làng đã hoàn tất việc trỉa lúa và kéo dài đến ngày hội Đập trống 16/1 (ÂL) năm sau. 

Bên dòng suối cấm Aky, ông Đinh Xầm, người có uy tín bản Bụt, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch kể: “Khu vực khe Aky đây họ cấm, một là không được thả lưới, hai là không được đốt lửa trong khu vực cấm. Hàng năm đến giờ đập trống là đi cả xã luôn, và đồng bào giữ gìn không được thuốc cá, không được thả lưới bậy bạ, chỉ có câu cá thôi. Cấm bắt cá ở đây, từ già đến trẻ ai cũng giữ gìn hết để chuẩn bị cho ngày đập trống. Từ đời ông, đời cha trước đây đến đời con đời cháu sau này cũng chấp hành phong tục tập quán cũ”.

Việc cấm khai thác cá tại suối cấm đã được dân bản hưởng ứng, đồng bào nơi đây đều ngầm hiểu với nhau bởi sự thiêng liêng của dòng suối. Nếu người dân nào không chấp hành sẽ bị Giàng – ông trời phạt đau ốm hoặc bị hổ vồ. Ông Đinh Cửi, Chủ tịch UBMT xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, cho biết: “Ngày xưa ông cha kể, chỗ ni là của chủ trời, chủ đất nên bà con không thả lưới, khi có lệnh của anh Xon –  thầy cúng trong xã kêu bà con đi bắt thì được, còn người nào tự đi bắt là vi phạm ông trời, có tội đấy, đã có từ xưa và đến hiện tại vẫn giữ. Người vi phạm bị ông thầy cúng, người chủ trời, chủ đất phạt cứ 2 hủ rượu, 1 con lợn; nếu không là nắng không mưa, mưa không đều, bà con làm ăn không có”.

Những giá trị văn hóa bản địa tạo thành nền tảng tinh thần của xã hội vì nó được thấm nhuần trong mỗi con người và trong cả cộng đồng dân tộc. Người dân địa phương sống ở gần nguồn tài nguyên, có điều kiện theo dõi, kế thừa thông tin lịch sử, có kiến thức bản địa truyền thống. Lợi ích của nguồn tài nguyên thiên nhiên thật sự gắn bó trực tiếp, thường xuyên đối với cộng đồng nên chính họ sẽ là lực lượng thường xuyên tham gia bảo vệ, giữ gìn và phát huy nó. 
                                                    

** Liên hệ tư vấn:  Du lịch Xanh Quảng Bình

Số 64 Hoàng Diệu - Nam lý - Đồng Hới - Quảng BÌnh

Tel: 0523 836333- 01674205772 Ms.Tuyển

Email: tuyenqb.dulichxanh@gmail.com

  

 

 

BACK TO TOP