• 13/12/2013 10:32:10 | 1096 lượt xem

Cổ tích đá ở động Thiên Đường

Động nằm trên núi trong vùng lõi của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 1991, một “lâm tặc” tìm trầm có máu phiêu lưu, tình cờ phát hiện hang lạ. Khác với nhiều hang động trong vùng mà ông từng biết, động mới có cửa hẹp, đi ngang, gió lạnh như muốn bế thốc người, rít qua vách đá hù dọa. Năm 2005, sau nhiều chuyến tìm kiếm hang động mới ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng thất bại, đoàn thám hiểm hoàng gia Anh, theo lời kể của dân địa phương, đã tìm gặp Hồ Khanh, người đã phát hiện ra động lạ và rất có duyên với các hang động mới.

Suốt 2 năm ròng, khám phá thêm nhiều hang động đẹp nhưng vẫn chưa gặp lại “cố nhân”. Năm 2007, đoàn thám hiểm về nước, Hồ Khanh vẫn thủy chung tìm kiếm. Đầu năm 2008, Hồ Khanh mới gặp lại “người đẹp”, 17 năm sau lần gặp đầu tiên. Khi dẫn đoàn thám hiểm hạnh ngộ, họ hỏi ý kiến ông và đặt tên là Thiên Đường (Paradise cave). Hồ Khanh là người dẫn đường cho đoàn thám hiểm phát kiến nhiều hang động mới và họ dành cho ông quyền đặt tên, theo thông lệ quốc tế. Đã có động Nghĩa (tên vợ), động Thái Hòa (tên con), động Hùng (tên bạn)... Còn riêng ông, vẫn chưa có tên, dù là tấm bảng nhỏ ngay động Thiên Đường...

 

Cổ tích đá ở động Thiên Đường
Động Thiên Đường, Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh: Shutterstock

 

Đúng như tên gọi, Thiên Đường là một trong những hang động nguy nga, tráng lệ hàng đầu của thế giới, có chiều dài 31,5 km, đang được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư và khai thác. Đến Thiên Đường, phải theo đường Hồ Chí Minh, qua Phong Nha chừng 27 km. Vừa xuống xe ngay cổng, khách đã cảm thấy sự khác biệt. Khí hậu dịu hơn, không gian thoáng đãng và sự chăm chút của con người. Có thể đi xe điện với các nữ lái xe duyên dáng hay trekking thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng trên đoạn đường khoảng chừng 1,5 km. Để lên cửa hang ở độ cao 360 m, có 2 lựa chọn. Nếu có sức thì vượt 524 bậc thang đường thẳng. Còn không thì đi dốc vòng, cũng chưa tới 1 km. Nhớ thực hiện đúng phương châm dã ngoại khi leo dốc là “Ngực tung tăng đi trước, mông lả lướt theo sau” và khi xuống dốc là “Ngực tấn công, mông phòng thủ”. Theo kinh nghiệm của tôi, khi lên nên đi đường dốc và xuống bằng cầu thang. Khá khen cho nhà đầu tư đã chăm chút từng lối đi, thùng rác cho đến nhà vệ sinh, tạo cho du khách cảm giác tin cậy về chất lượng dịch vụ.

Vừa đến cửa, Thiên Đường đã tưởng thưởng và nồng nhiệt chào đón khách bằng những làn gió hào phóng, mát rượi. Cửa động hẹp và nhỏ đến bất ngờ, nhưng chỉ mấy bước là Thiên Đường hiện ra, lộng lẫy, hớp hồn du khách. Choáng ngợp vì sự kỳ ảo của vô số nhũ thạch và măng đá, từ hình dạng đến màu sắc, từ tuổi đá đến cấu tạo. Động khô, không có sông ngầm và khá bằng phẳng. Hệ thống cầu thang gỗ khang trang, dài hơn 1.000 m, rộng 2 m, vững chãi đón khách thưởng ngoạn, cứ như lạc vào lâu đài cổ tích đá. Cách quãng, lan can lại được biến tấu thành ghế dựa cho khách nghỉ chân. Tôi rất thích ý tưởng sáng tạo và tinh tế này. Tôi cũng thú vị với cách sử dụng khéo léo các bóng đèn LED, tạo cảm giác gần gũi như ánh sáng tự nhiên, không cần “phấn son lòe loẹt” hoặc phải “giải phẫu thẩm mỹ” như nhiều hang động khác. Động dài 31,5 km nhưng chỉ mới đưa vào khai thác hơn 1 km. Bề ngang rộng nhất gần 200 m, chỗ hẹp nhất chừng 30 m. Trần động, nơi cao nhất chừng 80 m, chỗ thấp nhất chỉ hơn 10 m. Động Thiên Đường đứng đầu bảng xếp hạng các hang động quốc tế về nhiều mặt. Đáng mừng là Quảng Bình đã “chọn mặt gửi vàng” chính xác. Vậy mà khi chưa đến, tôi cứ phập phồng vì sự tùy tiện của nhiều nhà đầu tư trước đó, mà suối khoáng nóng Bang (nóng nhất Việt Nam, 104oC) ở Lệ Thủy, Quảng Bình là điển hình.

Càng đi sâu vào động, không khí càng mát lạnh. Nhiệt độ chênh lệch với bên ngoài khá lớn, chừng 16oC. Động Thiên Đường cũng vô địch về sự đa dạng của các hình thù nhũ đá. Chưa được “mục sở thị”, không thể nào hình dung, dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy. Khách cứ nhẩn nha khám phá, tự đặt tên cho từng khu vực hay từng khối thạch nhũ. Có khối hàng  chục triệu năm, lấp lánh những tinh thể có cấu trúc tà phương là Cansit (CaCO3). Có khối trẻ măng, tươi rói, nhưng cũng vài trăm ngàn năm tuổi, vẫn đang tiếp tục hình thành, tí tách nước nhỏ giọt. Những thạch nhũ bền bỉ, kiên trì tác tạo ngày đêm, chưa bao giờ ngưng nghỉ và mỗi năm cao thêm nhiều nhất chỉ là 0,02 mm. Có cả thạch nhũ rời, như những viên bi tổ chảng, ngoan ngoãn nằm cạnh nhau, rất lạ. Có thạch nhũ cành như tổ ong khổng lồ và thạch nhũ màu xám tro huyền bí. Những nhánh dương xỉ bé tẹo, mượt mà xanh và kiên cường mọc kề bên thạch nhũ. Một hình ảnh tương phản đến lạ lùng. Được biết ở đây các nhà thám hiểm cũng vừa phát hiện loài bò cạp Thiên Đường, tên khoa học là Vietbocap thienduongensis Lourenco & Pham 2012...

Chỉ hơn 1.000 m, Thiên Đường đã tạo nên sự choáng ngợp và sự khẳng định tên gọi của mình. Nào là  cung Thạch Hoa Viên bề thế với những khối thạch nhũ đủ hình dạng cỏ cây, chim thú. Có cả tượng Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng. Nào cung Giao Trì, nơi Ngọc Hoàng bàn việc nước với các cận thần; có cả tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng; ruộng bậc thang và làng quê với ụ rơm, trâu cày... Nào cung Quảng Hàn với thác Thiên Hà, rèm the tiên nữ và các nàng tiên xõa tóc tắm suối. Nào cung Quần Tiên Hội Tụ với các tượng Phật A Di Đà, kỳ hưu, voi ma mút, thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh, Phúc - Lộc - Thọ, tháp Chăm (có người gọi là tháp Phật)... Hoành tráng hơn cả là Cung Đại Thánh Đường tựa như nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican. Cuối cùng là cung tái hiện Lịch Sử Trời Đất với thiên trụ, núi đôi, bầu sữa mẹ... Với tôi, ấn tượng nhất là tháp Liên Hoa như tòa sen đồ sộ (có người bảo giống cây thông Noel) và nhà sàn Tây nguyên rất độc đáo. Tôi cứ ngây người trước cảnh trí tuyệt vời, quên cả thời gian và không gian hiện hữu.

Động Thiên Đường đón khách từ tháng 12.2010 và các công ty lữ hành đã nhanh chóng đưa vào tuyến điểm. Tháng 3 này, nhân kỷ niệm 14 năm thành lập, với sự hỗ trợ của các chuyên gia dã ngoại, Lửa Việt sẽ mở tuyến mới “Khám phá tiếp 6 km động Thiên Đường” bằng treking và bơi xuồng kayak. 1 km đã sững sờ, thêm 6 km nữa, chắc chắn trên cả tuyệt vời. Tour dành cho những người thích trải nghiệm, ưa mạo hiểm với những bất ngờ lý thú. Đoàn cũng sẽ viếng hang Tám Cô nổi tiếng linh thiêng với nhiều câu chuyện ly kỳ hư thực. Chỉ có 4 nữ nhưng chẳng hiểu sao lại gọi là Tám Cô?

Trước hang có cây Tình Yêu (cây si quấn chặt cây lim) thắm thiết. Rồi cây chuối cô đơn (chuối thường mọc theo cụm) cao gần 8 m và ra 8 buồng trái. Cặp tắc kè núi sinh 8 trứng và kêu 8 tiếng... Ngày 14.11.1972, bom Mỹ thả đã khiến 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh và làm sập cửa hang, bít lối ra của 8 thanh niên xung phong, trong đó có 4 nữ. Họ đã chiến đấu ngoan cường và lẫm liệt hy sinh vì đói khát khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1996, mãi 24 năm sau mới phá được cửa hang để xây mộ. Đoàn sẽ vượt sông Gianh, qua đèo Ngang đến Hà Tĩnh viếng chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh (chùa Hương ở Hà Tây là phiên bản sau này), tham quan nhà lưu niệm Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới người Việt Nam đầu tiên và nhà lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông tổ ngành y Việt Nam. Tôi sẽ làm hướng dẫn viên và tặng bạn đọc Thanh Niên Tuần San mua tour một quý (3 tháng) báo tuần san làm quà cho vui.

Nguyễn Văn Mỹ

MỌI CHI TIẾT XIN QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ

DU LỊCH XANH - VIET GREEN TRAVEL - CHI NHÁNH QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: 64 Hoàng Diệu - P.Nam Lý - TP. Đồng Hới - Quảng Bình
Tel: 0523.836 333 - Fax: 0523.836 336 
Hotlines: 0903295730 |  01235 333 331
Email: quangbinh@dulichxanh.com.vn
Website: www.dulichxanh.com.vn | www.vietgreentravel.com.vn
Skype: dulichxanhquangbinh  Yahoo Chat: dulichxanhqb

BACK TO TOP