• 27/08/2014 10:34:34 | 1054 lượt xem

Di tích lịch sử đường 10

ác nhân chứng lịch sử, gồm: Trung sĩ Hoàng Châu Á, Thiếu úy Nguyễn Ngọc Lâm, Đại úy Nguyễn Xuân Hoàng đều là những chiến sỹ từng tham gia chiến đấu tại mặt trận B5 đã cùng chúng tôi trở lại những hang động có tên là hang Đại Tướng, hang Văn Công, hang Vàng (theo cách gọi của người dân địa phương). 37 năm sau chiến tranh mới có dịp quay trở lại chiến trường xưa, đối với những cựu chiến binh này thì mọi thứ ở đây đã thay đổi. Căn cứ bí mật của cứ điểm H1 - mặt trận B5 bây giờ đã là bản làng của người Bru-Vân Kiều. Định cư trên vùng đất Cây Sung, Đá Còi, sau năm 1975, không mấy người địa phương biết được câu chuyện bi tráng của cứ điểm H1 - mặt trận B5. Chuyện về hang Đại Tướng, hang Văn Công cứ thế được kể như một truyền thuyết. Đồng bào Bru-Vân Kiều tin tưởng rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại đường 10 vào năm 1971 – 1972. Mặc dù đó không phải là sự thật, tuy nhiên, những câu chuyện được dệt bằng niềm tự hào của người Bru – Vân Kiều về anh bộ đội cụ Hồ cũng làm cho di tích lịch sử đường 10 trở thành huyền thoại. Đây là lần thứ 2 Trung sĩ Hoàng Châu Á, Trưởng Ban liên lạc mặt trận đường 9 - B5 quay trở lại bản Đá Còi, bản Cây Sung kể từ khi rời khỏi những cứ điểm này vào năm 1973. (Lần đầu tiên vào tháng 3/2013). Theo như Trung sĩ Hoàng Châu Á, bắt đầu từ km số 0 đến km số 14, cung đường 10 chia thành những nhánh xương cá dẫn đến các cứ điểm bí mật. Mỗi hang động mang một giá trị lịch sử và nằm trong hệ thống liên hoàn của hàng chục hang động lớn nhỏ là đại bản doanh của trụ sở tiền phương mặt trận đường 9. Trên địa phận bản Cây Sung, bản Đá Còi có 7 hang động là căn cứ bí mật, là nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy tiền phương mặt trận đường 9. Ký ức của Trung sỹ Hoàng Châu Á chưa thể quên được những năm tháng làm nhiệm vụ liên lạc tại cứ điểm H1 – mặt trận B5. Ông nhớ lại: “Hồi đó, ở đây có một tảng đá duy nhất nằm về phía bên trái con đường, nơi có khe nước khá sâu. Tảng đá này có một điều đặc biệt là được dùng để làm vật chuẩn. Lúc trước, tảng đá là một bãi bằng, qua thời gian đã bị mòn dần nhưng dấu tích của nó vẫn ở vị trí cũ. Đã có nhiều vị tướng xuống khe nước này tắm, như Đại tá Đoàn La và chính tôi là người đã kỳ lưng cho ông ấy”. Các hang động có tên gọi hang Đại tướng, hang Văn Công là nơi ở, nơi làm việc của Thượng tướng Văn Tiến Dũng – Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ và các vị tướng lĩnh chỉ huy mặt trận B5. Ngoài ra, quần thể hang động tại đại bản doanh H1 đều là cứ điểm quan trọng của Cục Hậu cần, Cục Thông tin, Cục Quân khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ năm 1966 đến năm 1972, hàng chục mệnh lệnh quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với mặt trận đường 9 - B5 đã được truyền đi từ các căn cứ bí mật này. Cứ điểm H1 – mặt trận B5 là nơi tuyệt đối bí mật của quân đội, nó cũng tuyệt đối bí mật với cả những người trong cuộc. 37 năm sau chiến tranh, sự bí ẩn về cứ điểm H1 – mặt trận B5 chưa một lần được hé lộ, những câu chuyện về các hang động là di tích lịch sử tại địa phận xã Ngân Thủy cùng với những kỳ sử về con đường huyền thoại đến nay vẫn còn đó những ẩn số với cả những người lính từng tham gia làm nhiệm vụ tại căn cứ bí mật này. Lặng lẽ nằm khuất sau những cánh rừng, trên những triền núi đá hàng triệu năm tuổi, những hang động là di tích lịch sử của hậu cứ tiền phương mặt trận B5 là một quần thể di tích mang ý nghĩa lịch sử của con đường 10, của cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam. Trung tướng Hoàng Châu Á cho biết tên chính xác các hang động ở xã Ngân Thủy: “Người dân địa phương gọi là hang Văn Công, tuy nhiên, tên chính xác của hang này là hang Tư lệnh, gồm có Bộ Tư lệnh ở và một bộ phận cơ yếu. Hang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (theo cách gọi của người dân địa phương), thực chất không phải như vậy. Hang này là nơi ở của Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cuối năm 1970 ông vào để lãnh đạo chiến dịch Nam Lào”. Ngoài các hang động được nhắc tới ở trên thì ở bản Cửa Mẹc thuộc xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đến nay cũng còn tồn tại một cái hang mà theo cách gọi của người dân địa phương có tên là hang Vàng; tuy nhiên, theo các nhân chứng lịch sử của Ban liên lạc mặt trận đường 9 – B5 thì cái hang này còn có các tên gọi khác là hang A22, hang Vũ khí. Càng vào sâu trong lòng hang chúng tôi bắt gặp rất nhiều di tích lịch sử của thời kháng chiến còn để lại. Thiếu úy Nguyễn Ngọc Lâm, Ban liên lạc mặt trận đường 9 - B5 cho biết: “Hang Vũ khí là hang để lực lượng của B5 chứa vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến trường vào thời gian từ năm 1966 đến năm 1970”. Đến với cung đường 10, khám phá vẻ đẹp của những hang động và biết được cuộc sống của những người lính đã từng sống ở nơi đây, quả thật là một chuyến đi mang nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi.

Các bài viết khác

BACK TO TOP