• 28/11/2013 10:09:48 | 1215 lượt xem

Hệ thống hang động

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là một trong hai khu vực đá vôi lớn nhất thế giới. So với 41 di sản thế giới khác có carxtơ, Phong Nha-Kẻ Bàng có các điều kiện địa hình, địa mạo và sinh vật khác biệt. Carxtơ tại đây có niên đại từ thời kỳ Đại Cổ Sinh, 400 triệu năm trước, do đó Phong Nha-Kẻ Bàng là vùng carxtơ lớn cổ nhất châu Á. Nếu như khu vực Hin Namno, một khu vực bảo tồn tự nhiên của tỉnh Khăm Muộn, Lào, giáp Phong Nha-Kẻ Bàng về phía tây được kết hợp thành một khu bảo tồn liên tục, thì khu vực bảo tồn này sẽ là khu rừng carxtơ còn tồn tại lớn nhất ở Đông Nam Á với diện tích 317.754 ha.

Tại Phong Nha-Kẻ Bàng có một hệ thống gồm khoảng 300 hang động lớn nhỏ. hệ thống động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất.

So với 3 vườn quốc gia khác đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới khác ở Đông Nam Á (Vườn quốc gia Gunung Mulu ở Malaysia, Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa ở Palawan của Philippines và Vườn quốc gia Lorentz ở Tây Irian của Indonesia) và một số khu vực carxtơ khác ở Thái Lan, Trung Quốc, Papua New Guinea thì carxtơ ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có tuổi già hơn, cấu tạo địa chất phức tạp hơn và có hệ thống sông ngầm đa dạng và phức tạp hơn.

Lịch sử khám phá hang động

Các văn tự khắc trên vách đá bằng ngôn ngữ Chăm Pa cổ cho thấy động Phong Nha được người Chăm phát hiện từ thời xa xưa khi vùng đất này còn thuộc Vương quốc Chăm Pa.

Năm 1550, Dương Văn An là người đầu tiên viết về động Phong Nha. Động Phong Nha đã được chạm lên một trong Cửu Đỉnh Đại Nội triều Nguyễn ở Huế.

Năm 1824, động Phong Nha được vua Minh Mạng sắc phong là "Diệu ứng chi thần". Ngoài ra còn được các vua nhà Nguyễn "Thần Hiển Linh".

Cuối thế kỷ 19, ông Léopold Michel Cadière, một linh mục người Pháp, thám hiểm động, khám phá các chữ viết của người Chăm và ông đã suy tôn Phong Nha "Đông Dương đệ nhất động". Tháng 7 năm 1924, nhà thám hiểm người Anh Barton sau khi khảo sát Phong Nha đã đánh giá rằng động Phong Nha có thể sánh ngang với các hang động nổi tiếng trên thế giới như động Padirac (Pháp), động sông Drac (Tây Ban Nha) về vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động.

Năm 1935, một người dân địa phương đã tình cờ phát hiện ra một động khô có cửa động nằm cách cửa động Phong Nha 1000 m, trên độ cao 200 m. Động này nằm trong khối núi đá vôi Kẻ Bàng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là động có cảnh quan kỳ vĩ không kém động Phong Nha nhưng lại không có sông ngầm.

Năm 1937, Phòng du lịch của Khâm sứ Pháp (ở Huế) đã ấn hành một cuốn tập gấp giới thiệu du lịch ở Quảng Bình, trong đó có giới thiệu về động Phong Nha. Địa điểm du lịch này đã được xếp hạng nhì ở Đông Dương thuộc Pháp. Trước năm 1990, đã có nhiều cuộc thám hiểm hang động của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài nhưng chưa hé lộ nhiều về hệ thống hang động Phong Nha.

Năm 1990, lần đầu tiên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã cùng với Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh (British Cave Research Association) đã phối hợp khám phá và nghiên cứu hang động trong khu vực này một cách sâu rộng. Cuộc khám phá hang động lần đầu được tiến hành năm 1990 bởi một nhóm các chuyên gia về hang động của Hiệp hội nghiên cứu hang động Anh và Khoa Địa chất Địa hình của Đại học Tổng hợp Hà Nội, do Howard Limbert chỉ huy. Nhóm thám hiểm này đã hoàn tất nghiên cứu động Vòm.

Năm 1992, một nhóm gồm 12 nhà khoa học Anh và 6 giáo sư của Đại học Tổng hợp Hà Nội tiến hành cuộc thám hiểm thứ hai và đã hoàn tất thám hiểm 7.729 m thuộc động Phong Nha và 13.690 m thuộc động Vòm và các hang động lân cận.

Cuộc thám hiểm thứ 3 vào năm 1994 bao gồm 11 nhà khoa học Anh và 5 nhà khoa học Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Việc thám hiểm các hang động trong khu vực này là một công việc khó khăn và nguy hiểm. Các đoàn thám hiểm đã mất nhiều thời gian với những khó khăn như: hang động sắc nhọn dễ gây thương tích, lòng hang hẹp, các sông suối ngầm có thể dâng lên đột ngột làm bít cửa hang, lượng ô xy trong nhiều khu hang động có thể không đủ.

Các kết quả thám hiểm, nghiên cứu này đã mang đến một sự hiểu biết toàn diện về hệ thống hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng và đã được làm cơ sở cho bảo vệ, quy hoạch và phát triển du lịch cũng như hoàn thiện hồ sơ để trình lên UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Các nhà khoa học đã khám phá và nghiên cứu 20 hang động với tổng chiều dài 70 km hang động, trong số đó có 17 hang động tại khu vực Phong Nha và 3 hang động tại khu vực Kẻ Bàng. Năm 1999, các nhà khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cũng tiến hành các khảo sát về hệ động thực vật ở khu vực Kẻ Bàng. Động Phong Nha dài 7.729 m, có 14 hang, có dòng sông ngầm dài 13.969 m. Các thạch nhũ trong động trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ nước có hòa tan đá vôi (CaHCO3) mà tích tụ thành những hình tượng lạ mắt như hình sư tử, hình ngai vàng, hình đức Phật v.v.

Năm 2005, Hội hang động Anh phát hiện một hang động khô, đặt tên Động Thiên Đường, lớn nhất và đẹp nhất tại Phong Nha-Kẻ Bàng. Theo đánh giá, hang động Thiên Đường còn to lớn và đẹp hơn cả động Phong Nha.

Ngày 1 tháng 6 năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam đã phát hành bộ tem chọn lọc Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hệ thống động Phong Nha

Cho đến nay, các nhà khoa học đã khảo sát 44,5 km hang động nhưng du khách bình thường chỉ có thể vào được 1500 m[4]. Hệ thống động Phong Nha có các hang động đáng chú ý sau:
Hang Tối: nằm trên thượng lưu sông Son. Hang này có chiều dài 5.258 m và cao 83 m.
Hang: dài 736 m.
Hang Chà An: dài 667 m và cao 15 m.
Hang Thung: có sông ngầm dài 3351 m.
Hang Én: dài 1645 m và cao 78,6 m, có bãi cát bên trong, là nơi sinh sống của én.
Hang Khe Tiên: tọa lạc phía nam Phong Nha, dài 520 m.
Hang Khe Ry: tọa lạc ở phía nam Phong Nha.
Hang Khe Thi.

Hệ thống động Vòm

Hang Vòm: dài 15,05 km và cao 145 m có nhiều thạch nhũ và măng đá đẹp.
Hang Đai Cao: dài 1645 m và cao 28 m.
Hang Duột: dài 3,927 km và cao 45 m, có bãi cát mịn.
Hang Cá: dài 1.500 m cao 62 m.
Hang Hổ: dài 1.616 m và cao 46 m
Hang Over: dài 3.244 m và cao 103 vời chiều rộng trong khoảng 30–50 m.
Hang Pygmy: dài 845 m.
Hang Rục Caroòng: nơi sinh sống của người thiểu số Arem. Họ sống trong hang động và săn bắn hái lượm tự nhiên.

Động Tiên Sơn

Động Tiên Sơn hay động Khô là một động đẹp nổi tiếng ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Cửa vào động Tiên Sơn nằm cách cửa động Phong Nha khoảng 1.000 m, ở độ cao so với mực nước biển khoảng 200 m. Động Tiên Sơn có chiều dài là 980 m. Từ cửa động đi vào khoảng 400 m có một vực sâu chừng 10 m, và sau đó là động đá ngầm tiếp tục dài gần 500 m, khá nguy hiểm nên du khách chưa được phép đến khu vực này mà chỉ tham quan tới khoảng cách 400 m từ tính từ cửa động. Động này được phát hiện năm 1935, ban đầu, cư dân địa phương gọi động này là động Tiên, do vẻ đẹp kỳ bí thần tiên của nó. Sau này động Tiên Sơn được gọi là động Khô, để phân biệt với động Phong Nha là động nước. Động Tiên Sơn là nơi có cảnh thạch nhũ và măng đá kỳ vĩ huyền ảo như trong động Phong Nha nhưng lại có nét riêng là các âm thanh phát ra từ các phiến đá và cột đá khi được gõ vào vang vọng như tiếng cồng chiêng và tiếng trống. Theo các nhà khoa học thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh, động Tiên Sơn được hình thành cách đây hàng chục triệu năm, khi một dòng nước chảy qua quả núi đã đục rỗng, bào mòn núi đá vôi Kẻ Bàng. Sau đó, do kiến tạo địa chất khối núi này hoặc đã được nâng lên, hoặc đã bị hạ xuống khiến các khối đá đổ sụp ngăn chặn dòng chảy làm nên động Tiên Sơn ở phía trên. Còn phần có sông ngầm chảy qua tạo ra hang động Phong Nha. Dù động Phong Nha và động Tiên Sơn nằm liền kề nhau nhưng giữa hang động này lại không thông nhau. Cư dân địa phương đã nhặt được một số hiện vật có thể là di chỉ di chỉ của người xưa ở trên bãi đất bằng phẳng trước cửa động.

Động Thiên Đường

Động Thiên Đường được đánh giá là động lớn và dài hơn động Phong Nha. Đây là một động khô, không có sông ngầm chảy qua như động Phong Nha. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của các nhà khoa học, so với động Phong Nha thì động Thiên Đường có chiều dài và quy mô lớn hơn nhiều. Trong động Thiên Đường có nhiều khối thạch nhũ và măng đá kỳ ảo. Phần lớn nền động là đất dẻo, khá bằng phẳng nên thuận tiện cho việc tham quan và thám hiểm. Trong khi nhiệt độ mùa Hè ở bên ngoài là 36-37°C thì nhiệt độ trong động Thiên Đường luôn ở 20-21°C.

Khám phá Phong Nha Nha Kẻ Bàng là một những điểm du lịch Xanh hấp dẫn hiện nay tại Việt Nam. Quý khách có thể liên hệ, Du Lịch Xanh Quảng Bình - 052.3836333 - 0903295730 - Email: quangbinh@dulichxanh.com.vn

BACK TO TOP