Hỏi: Đối tượng được mua bảo hiểm khi đi du lịch ở nước ngoài?
Đáp: Tất cả những người đi tham quan, nghỉ mát, thăm viếng bạn bè, bà con, dự các hội nghị quốc tế, đại hội, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, làm việc … tại các nước ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Hỏi: Qui định về bảo hiểm hành lý? Trường hợp nào thì được bồi thường ?
Đáp: Các trường hợp về hành lý và vật dụng riêng bị thiệt hại có thể quy hợp lý cho các nguyên nhân: cháy, nổ, phương tiện chuyên chở bị đâm va, chìm, lật đổ, rơi và mất nguyên kiện hành lý gửi theo chuyến hành trình.
Những đồ vật bị mất, thiệt hại theo lời khai của Người được bảo hiểm sẽ được cơ quan bảo hiểm xem xét, giải quyết theo giá trị thực tế của nó tại thời điểm bị mất, thiệt hại trên cơ sở giá của vật mới tương tự ở nước bán hàng tại thời điểm trả tiền bồi thường.
Đồ vật hỏng nhẹ, nếu sửa chữa hay thay thế phụ tùng có thể dùng được, cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí sửa chữa và thay thế phụ tùng tại nước ngoài hoặc ở Việt Nam.
Giới hạn bồi thường đối với bất kỳ một khoản nào ghi trong danh mục, hành lý và vật dụng riêng là 20% Số tiền bảo hiểm về hành lý ghi trong Hợp đồng bảo hiểm. Một cặp hoặc một bộ của đồ vật được coi là một khoản mục.
Trường hợp mất nguyên kiện hành lý gửi theo chuyến hành trình, cơ quan bảo hiểm bồi thường cho Người được bảo hiểm tối đa đối với mỗi một kg hành lý là 2% Số tiền bảo hiểm hành lý.
Trường hợp hành lý hoặc vật dụng riêng đã được bồi thường do bị mất, sau được tìm thấy thì Người được bảo hiểm có quyền nhận lại hành lý đã tìm thấy và hoàn lại số tiền cơ quan bảo hiểm đã bồi thường. Nếu Người được bảo hiểm không nhận lại số tài sản này trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan bảo hiểm, thì cơ quan bảo hiểm có quyền xử lý số tài sản đó để bù đắp số tiền đã bồi thường.
Các trường hợp dưới đây không được bồi thường những thiệt hại về hành lý:
Mất vàng, đá quý, kim loại quý, tiền mặt, séc, hộ chiếu, bằng lái xe, vé các loại, chứng từ có giá trị như tiền, bản vẽ, bản thiết kế.
Đồ vật bị xây xát, ướt, mà không làm mất chức năng của nó.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trưng thu, cầm giữ hoặc tịch thu.
Hỏi: Trường hợp bị mất vật dụng khi đi du lịch mà không có giấy tờ nào xác nhận đó là loại máy nào, đời nào, năm sản xuất, giá bao nhiêu…, có được bồi thường?
Đáp: Cơ quan bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường đối với các vật dụng bị mất mà không có giấy tờ xác nhận.
Hỏi : Các qui định về hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm?
Đáp: Khi yêu cầu Cơ quan bảo hiểm trả tiền bảo hiểm, Saigontourist sẽ trợ giúp Người được bảo hiểm hoặc người đại diện Người được bảo hiểm hoặc người thừa kế hợp pháp gửi cho Cơ quan bảo hiểm các chứng từ sau đây trong vòng 30 ngày kể từ ngày Người được bảo hiểm rời khỏi bệnh viện ở nước ngoài hoặc bị chết hoặc điều trị khỏi thương tích do tai nạn (nhưng không quá 01 năm kể từ lúc xảy ra rủi ro được bảo hiểm), hay mất, hỏng hành lý:
Giấy yêu cầu bồi thường.
Hợp đồng bảo hiểm và bản sao (trích) danh sách Người được bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.
Những giấy tờ cần thiết trong số những giấy tờ dưới đây liên quan đến trường hợp yêu cầu bồi thường:
- Trường hợp thiệt hại về người do tai nạn hoặc ốm đau: - Biên bản tai nạn có ghi nhận trường hợp chết hoặc tai nạn - Giấy điều trị của cơ quan y tế - Biên lai các chi phí y tế, hồi hương và các chi phí khác - Giấy chứng tử và giấy xác nhận quyền thừa kế hợp pháp (trường hợp chết).
- Trường hợp thiệt hại về hành lý và vật dụng riêng: - Bằng chứng chứng minh hành lý, vật dụng riêng bị mất, bị thiệt hại và mức độ tổn thất - Biên bản về việc mất toàn bộ kiện hành lý của cơ quan vận chuyển và vé hành lý. - Bản kê chi tiết các giá trị tàn sản bị thiệt hại - Tờ khai hải quan khi xuất cảnh Việt Nam hoặc nước đến du lịch để về Việt Nam trong đó ghi rõ hành lý và tài sản mang theo. - Hóa đơn sửa chữa hay thay thế phụ tùng.
- Những giấy tờ khác có liên quan mà cơ quan bảo hiểm yêu cầu: Trường hợp Người được bảo hiểm ủy quyền cho người khác nhận tiền bảo hiểm, phải có giấy ủy quyền hợp pháp.