• 28/11/2013 09:25:14 | 1116 lượt xem

Khám phá động thực vật quý hiếm ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Một rừng bách xanh núi đá ở độ cao 800m

Chúng tôi lên đường từ sáng sớm. Từ Km số 0 của đường 20, qua Hang Tám Cô bi tráng, chúng tôi vượt thêm 21 km nữa đến Km 37 thì dừng lại.

Nguyễn Quang Vĩnh - Chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ động vật hoang dã - với vai trò là hướng đạo viên trong chuyến đi này xuống xe và bảo: Quần thể bách xanh ở trên núi đá kia. Vĩnh ngật cổ hết cỡ và đưa tay chỉ. Dãy núi đá vôi mà Vĩnh chỉ, dựng đứng, sừng sững, cao ngút. Làm sao có thể lên trên đó được? Vĩnh trấn an: Nhìn thế thôi, nhưng không đến nỗi quá khó đâu...

Một cảnh trí tuyệt vời đập ngay vào mắ.t Mặt trời bừng sáng ngay ở trên đầu và chung quanh ngút ngàn những thân cây cao vút, vỏ mầu xám nâu, lá như lá tùng, mọc đối nhau hình chữ thập. Chạm tay vào thân, nhơm nhớp dính nhựa cây mầu vàng cam, thơm đặc trưng mùi xá xị. Những nhà lâm sinh cùng ồ lên: Bách xanh.

Những thân bách xanh đường kính 1 - 1,5 m, cao từ 20 - 30m, cứ thế ngạo nghễ, cát cứ hầu khắp trên những diện tích của núi đá vôi. Chúng cứ tựa vào nhau gần như san sát. Có những thân cây quá già đã gục ngã theo thời gian, giờ còn trơ lõi nhưng vỏ và lá mục của nó lại làm thức ăn nuôi sống cho thế hệ bách xanh kế tiếp. Giữa trùng trùng núi đá chỉ có bách xanh bám chắc vào đá để tồn tại qua hàng trăm năm. Đó là điều kỳ diệu và hấp dẫn chỉ có ở loài bách xanh núi đá có một không hai này.

Ông Nguyễn Tấn Hiệp - Giám đốc Vườn Phong Nha - Kẻ Bàng - cho hay, ông đã có hơn 2 tháng trời cùng các cán bộ của Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ động vật hoang dã và GS.TS V. Averyanov Leonis - Chuyên gia hàng đầu về thực vật của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga - rong ruổi khắp các cánh rừng. Điều ông coi là phát hiện có ý nghĩa nhất là việc tìm ra quần thể bách xanh núi đá lớn chưa từng thấy này.

Ông cho rằng đó là một phát hiện có ý nghĩa toàn cầu. Bởi hiện trên thế giới chỉ có ba loài bách xanh đã được nhận diện. VN hiện có một vài cá thể bách xanh núi đất rải rác ở một số tỉnh phía Bắc, nhưng chưa nơi nào có quần thể bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) rộng lớn như thế này. Đây là loài thứ tư, đặc hữu, chỉ có ở Phong Nha - Kẻ Bàng..

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, bách xanh được phân bổ trên đỉnh núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, kéo dài từ Km27 - Km40 của đường 20, ước diện tích có khoảng trên 5.000 ha. Xét về mặt đông đặc, thì có khoảng 2.500 ha với mật độ 600 cây/ha. Các cây bách xanh ở đây có tuổi từ 500 - 600 năm.

Cũng theo ông Leonis, việc bảo tồn cấp thiết, có hiệu quả quần thể này có thể coi là mục tiêu có tính ưu tiên cao nhất trong chiến lược bảo tồn của VN. Loài bách xanh núi đá độc đáo này cần được đưa vào sách đỏ của VN, bởi đây là loài đang có nguy cơ bị tiêu diệt trên phạm vi toàn cầu.

Ba loài lan hài

Năm lần, bảy lượt chúng tôi muốn tiếp cận cái nơi mà GS.TS V. Averyanov Leonis cùng với các cộng sự VN đã tìm ra loài lan hài, mà theo họ là đặc biệt quý hiếm ở ngay giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng đều bị từ chối một cách lịch sự.

Ông Đinh Huy Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ động vật hoang dã, thông tin: lan hài là một phân loài đặc biệt của họ lan. Khi nở hoa, nó có một cánh ở giữa, hình như chiếc hài công chúa, đẹp lộng lẫy và quý phái.

Đã từ lâu, lan hài được coi như một thứ “quốc bảo”. Nó không những có giá trị lớn về khoa học, thẩm mỹ mà còn có giá trị kinh tế cao. Mỗi khi địa chỉ của lan hài bị phát hiện, lập tức chúng bị các thương lái săn lùng ráo riết và khai thác triệt để cho đến khi không còn mầm mống.

Ông Cao Xuân Chính - Phó GĐ Vườn Phong Nha - Kẻ Bàng - cho biết: lần đầu tiên, năm 1922, ở VN, lan hài được phát hiện ở vùng rừng gần Nha Trang. Nó lập tức được mang về Pháp trồng thử. Một cuộc săn lùng ráo riết diễn ra ở Khánh Hòa và bỗng dưng lan hài biến mất. Dân chơi lan cho rằng nó đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Họ chỉ còn biết nuối tiếc và lưu giữ hình bóng lan hài trong ký ức mà thôi…

Không hiểu sao, năm 1992, nghĩa là 70 năm sau, dân chơi lan hài bỗng thấy nó xuất hiện trên thị trường nhiều nước ở cả châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Vậy ngoài tự nhiên lan hài đã mất hẳn? Nhiều người tin như vậy, nhưng ông Leonis thì không cho là như thế. Ông và các cộng sự của mình lại rong ruổi trên những cánh rừng VN và năm 1996 ông đã phát hiện thấy lan hài đang “ngụ” cheo leo trên vách đá Hòn Giao, cách Nha Trang chừng 50 km.

Sau đó ít lâu người ta lại phát hiện lan hài có mặt ở vùng núi Cao Bằng. Những nhà nghiên cứu đã bảo vệ nó bằng cách không công bố địa điểm phân bổ, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó giới buôn lan chuyên nghiệp đã dò tìm ra địa điểm và lan hài lại một lần nữa biến mất khỏi Cao Bằng…

Cũng 10 năm nay không thấy lan hài xuất hiện trên thị trường. IUCN (Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới) năm 1996, đã xếp lan hài là loài đang đứng trước nguy cơ diệt vong rất cao (tuyệt chủng trong tương lai gần).

Ông Leonis và các cộng sự đã tìm thấy lan hài ở giữa rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, Di sản thiên nhiên thế giới. Không chỉ một loài lan hài chung chung mà có đến 3 loài: lan hài xanh (Paphiopedilum malipoense), lan hài xoắn (Paphiopedilum dianthum), lan hài đốm (Paphiopedilum concolor)…

Ông Nguyễn Tấn Hiệp coi việc phát hiện ra loài lan hài ở khu Vườn Quốc gia nơi ông làm Giám đốc là niềm kiêu hãnh của Di sản thiên nhiên thế giới với toàn cầu.

Ông Leonis gợi ý, nên đẩy nhanh việc nghiên cứu, thử nghiệm từ hạt, chồi, gen để nhân giống loài lan này với số lượng lớn để bán ra thị trường. Khi làm được điều đó thì việc lén lút khai thác trái phép loài lan này trong tự nhiên sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa.

Và Dự án nhân giống lan hài đã cho những tín hiệu khả quan. Trung tâm đã tách 11 mẫu con từ 9 mẫu gốc hài xanh; 1 mẫu con từ 1 mẫu gốc hài xoăn; 10 mẫu con từ 6 mẫu gốc hài đốm. Đến thời điểm này các mẫu con đang sinh trưởng và phát triển bình thường…

Những loài động vật quý hiếm

Cách đây ít lâu, khi mà Vườn Phong Nha - Kẻ Bàng chưa được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, chúng tôi đã nghe thông tin, các nhà nghiên cứu về động vật vừa phát hiện ở đây đang hiện hữu một loài voọc lạ. Họ phát hiện ra nó không phải từ ở trong rừng mà từ trong nhà dân tận mãi ngoài... Hà Tĩnh.

Hỏi người đang nuôi con voọc kia thì được cho hay rằng họ đã mua nó ở vùng rừng Phong Nha - Kẻ Bàng để về chuẩn bị... nấu cao.

Các nhà khoa học sửng sốt, bởi đã từ lâu lắm rồi loài này đã không còn tìm thấy trên toàn cầu. Họ nhận diện, mô tả và đặt tên cho nó là Voọc Hà Tĩnh. Hiện giờ trên thế giới chỉ còn gặp loài voọc này ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đoàn nghiên cứu đã nằm lại vùng núi Phù Minh - Minh Hóa, một vùng mà trong dự án ban đầu thiết lập được đưa vào Khu Bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng, gần 2 tháng trời và họ đã phải gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp đối với bộ linh trưởng. Những số liệu mà đoàn nghiên cứu này đưa ra khiến cho giới khoa học giật mình. Chỉ riêng vùng này thôi, hàng năm đã săn bắt và đem bán đến 11 tấn khỉ ép khô (7-8 kg tươi được một kg khô). Điều đó cũng khẳng định rằng, vùng đệm này của Phong Nha - Kẻ Bàng là vương quốc của loài linh trưởng.

Voọc Hà Tĩnh vừa được phát hiện chưa lâu thì các nhà động vật học lại tiếp nhận thêm một thông tin chấn động. Tại Phong Nha - Kẻ Bàng vừa phát hiện một loài động vật thuộc bộ linh trưởng mà sách đỏ thế giới chưa hề ghi nhận. Các nhà nghiên cứu tạm xếp nó vào phân loài Voọc đen ebenus (Voọc đen tuyền). Loài này thường xuất hiện nhỏ lẻ ở những cánh rừng hỗn giao trên núi đá vôi vùng Ba Đậu (Phong Nha - Kẻ Bàng)...

FFI (Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã thế giới) mới đây đã đánh giá rất cao về sự đa dạng các loài linh trưởng ở đây. Trong 10 loài linh trưởng có mặt lại đây thì đã có 4 loài được xếp vào cấp nguy cấp trên phạm vi loàn cầu. Đó là Vượn đen má trắng, Voọc đen tuyền, Voọc ngũ sắc và Voọc Hà Tĩnh.

Tắc kè Phong Nha.

Bẵng đi một thời gian, những cuộc nghiên cứu, thám sát Phong Nha - Kẻ Bàng thưa dần. Những điều kỳ diệu của thiên nhiên hoang dã nơi đây vẫn đang là điều bí ẩn, cho đến khi Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Một trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ động vật hoang dã đã được hình thành và nó đã trở thành đầu mối thu hút các nhà nghiên cứu động, thực vật đến đây vén những bức màn bí ẩn... Chưa hết, các nhà khoa học về động, thực vật trong và ngoài nước gồm Hồ Thị Thu Cúc, Nguyễn Văn Tiến, Bùi Ngọc Thành và hai chuyên gia người Nga là A.Ryabov, Nicolai Lorlov sau một thời gian nằm rừng đã không khỏi kinh ngạc khi phát hiện ra 3 loài bò sát có ý nghĩa toàn cầu. Đó là tắc kè Phong Nha, rắn lục đầu sừng và rắn lục Trường Sơn.

Tắc kè Phong Nha, cũng là loài mới phái hiện, trên thế giới không ở đâu có ngoài Phong Nha - Kẻ Bàng. Để bảo tồn một cách bền vững loài tắc kè "độc nhất vô nhị” này, trong một chương trình hợp tác giữa Vườn Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn thú Cologne của Đức, trứng tắc kè Phong Nha đã được lấy mang sang Đức và đã ấp nở nhân tạo thành công...

Còn loài rắn lục đầu sừng, người ta ngỡ nó đã biến mất trên phạm vi toàn cầu cách đây 50 năm. Đây là loại rắn cực độc, có giá trị dược liệu cao. Có lẽ vì thế nên nó bị truy sát một cách ráo riết đến mức ngỡ đã tuyệt chủng. Còn loài rắn lục Trường Sơn được các nhà nghiên cứu coi nó như là một "biệt loài" ngoài danh mục 3.000 loài rắn hiện có trên thế giới...

Thêm một chi tiết thú vị về "Đệ nhất viên" Phong Nha - Kẻ Bàng là trong năm 2004, VNcông bố phát hiện 144 loài lưỡng cư thì ở Phong Nha - Kẻ Bàng chiếm... 144 loài.

Tiến sĩ Andrei Kouznelsov, chuyên gia nghiên cứu về động thực vật của Nga, trước những phát hiện liên tục mới trên đã "cảm khái" rằng: Trong mấy chục năm làm việc của mình ở châu Á, chưa thấy nơi nào như nơi này. Cứ mỗi bước chân vào rừng lại thêm một khám phá kinh ngạc, ngỡ ngàng. Tất cả đều là những khám phá vào hàng bậc nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi...

Cuộc leo núi bắt đầu. Rừng nguyên sinh và hoang sơ. Sau cơn mưa, sên, vắt mặc sức tung hoành. Theo lối đi, thỉnh thoảng có những dấu sơn đỏ, đó là dấu đường của chuyến đi thám sát trước đây. Càng lên cao càng khó. Những mỏm đá tai mèo trơn tuột, nhọn hoắt. Sau gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi lên đến đỉnh. Đưa đồng hồ ra đo, mới hay chúng tôi đang ở độ cao 800m so với mực nước biển.

BACK TO TOP