• 04/01/2014 23:54:17 | 2196 lượt xem

Nâng cao du lịch cộng đồng tại Hải Dương

Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho các hộ dân ở xã Chi Lăng Nam, gắn phát triển du lịch sinh thái với bảo vệ môi trường, tỉnh Hải Dương đã xây dựng đề án mô hình điểm Phát triển du lịch cộng đồng ở Đảo Cò Chi Lăng Nam đến năm 2020.

 

Một góc Đảo Cò. Nguồn: internet

Đảo Cò là một điểm đến thú vị của du lịch sinh thái tỉnh Hải Dương. Đảo được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 15 và được phát hiện vào năm 1994. Với hơn 3000m2 nổi lên giữa lòng hồ An Dương, Đảo Cò được phủ kín bởi một màu xanh ngát của những rặng tre và nhiều loài cây. Đó chính là nơi trú ngụ của các loại cò, đông nhất là cò lửa, cò ghềnh, cò bợ, cò trắng, cò diệc và cò ruồi, ngoài ra còn có nhiều vạc và chim. Tất cả chung sống hòa hợp và bình yên tạo nên một không gian vô cùng độc đáo tựa như những bức tranh tuyệt đẹp của làng quê Bắc bộ.

Những năm gần đây, Đảo Cò đã trở thành một khu du lịch hấp dẫn với hệ sinh thái đa dạng, thu hút sự chú ý của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Để nâng cao nhận thức về xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, đào tạo kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho các hộ dân ở xã Chi Lăng Nam để họ có thể tự tổ chức các hoạt động du lịch, từ năm 2012, tỉnh Hải Dương đã có Đề án Quy hoạch và phát triển Đảo Cò thành khu du lịch cộng đồng, đến nay đã thu được những kết quả bước đầu, tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch bền vững. Đề án này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Thanh Miện tổ chức triển khai.

Đưa khách tham quan Đảo Cò. Nguồn: VGP

 

Theo đề án, mô hình du lịch cộng đồng ở Đảo Cò được chia thành 2 phân khu riêng và có quan hệ tương tác với nhau. Khu vực Đảo Cò dành cho khách tham quan gồm 2 hồ An Dương, Triều Dương và các công trình: trung tâm quản lý, nhà trưng bày, bãi đỗ xe, khu du lịch… Các sản phẩm du lịch chủ yếu phục vụ du khách gồm: xem, giới thiệu về khu bảo tồn đa dạng sinh học, các loài chim ở phòng trưng bày, đi tham quan đảo, quan sát đời sống sinh hoạt của các loài chim; tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí trên mặt nước như: câu cá, chèo thuyền bằng tay.

Bên cạnh đó, các tuyến, điểm du lịch cũng được xây dựng thêm như: tuyến du lịch cộng đồng tại xã Chi Lăng Nam, gồm: nhà dân - Đảo Cò - chùa An Dương - đền mẫu Triều Dương - chợ Giao - làng nghề bánh đa Hội Yên, chùa, miếu Triều Trang; tuyến kết nối du lịch Đảo Cò với các điểm của huyện Ninh Giang gồm: đền Khúc Thừa Dụ - múa rối nước Hồng Phong, đình Bồ Dương - đền Tranh.

Các hộ dân sinh sống quanh khu vực Đảo Cò sẽ được mời tham gia khóa học bồi dưỡng, hướng dẫn cách đón tiếp khách du lịch tới lưu trú tại nhà, tổ chức các trò chơi dân gian, hướng dẫn khách cuốc đất, trồng rau, câu cá… và được thực hành trực tiếp.

Cùng với sự hỗ trợ của ngành văn hóa du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cho đến nay, các gia đình đều đã tự tổ chức và tham gia vào các hoạt động du lịch, sẵn sàng đón khách tham quan, đồng thời có ý thức bảo vệ, hướng dẫn du khách không có hành động xâm phạm đến đàn cò, vạc. Đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi như: Làm vườn cùng nông dân, hướng dẫn du khách gặt lúa, cuốc đất, trồng rau, đi chợ, nghe hát dân ca... hay tổ chức các trò chơi phù hợp: câu cá thi, bịt mắt bắt vịt trên cạn. Đây là các hoạt động mà du khách rất yêu thích vì được trải nghiệm thực tế và cũng là một trong những xu hướng phát triển của du lịch gần gũi với thiên nhiên.

BACK TO TOP