- 28/11/2013 09:19:29 | 1064 lượt xem
Phát hiện loài gặm nhấm “hóa thạch sống” tại Phong Nha – Kẻ Bàng
Trong quá trình điều tra đa dạng sinh học thú nhỏ tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, các nhà khoa học đã phát hiện các mẫu vật của loài thú lạ được cho là loài Chuột đá Lào (Laonastes aenigmamus) thuộc giống Laonestes họ Diatomyidae. Trong các tài liệu hiện nay, Laonastes aenigmamus thường được gọi là "kha-nyou" theo tên địa phương ở Lào hay tên tiếng Anh là Laotian Rock Rat (Chuột đá Lào). Loài thú mới phát hiện ở Phong Nha - Kẻ Bàng được xác định là cùng loài Laonastes aenigmamus. Loài này có tên tiếng Rục là "knê-củng", tuy nhiên, tên này khó gọi hơn nữa đây là một loài gặm nhấm đặc hữu cho dãy Trường Sơn nên các nhà khoa học đề nghị danh pháp tiếng Việt cho loài này là "Chuột Trường Sơn", tiếng Anh là 'Annamite Rat'. Về tên khoa học, trong khi chờ kết quả phân tích di truyền phân tử của các mẫu này, các nhà khoa học đề nghị vẫn sử dụng tên Laonastes aenigmamus.
Loài này được Jenkins và các cộng sự phát hiện và mô tả lần đầu tiên năm 2005 tại Khu bảo tồn Đa dạng sinh học Quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào và đặt tên là chuột đá lào Laonastes aenigmamus. Năm 2006, Dawson và các cộng sự đã so sánh các đặc điểm hình thái của Chuột đá lào với với các mẫu hóa thạch của họ thú cổ Diatomydae và khẳng định Chuột đá lào là loài sống sót duy nhất của họ thú cổ Diatomydae đã bị xem là tuyệt chủng từ kỷ Miocence, cách đây khoảng 11 triệu năm. Loài này đã được đưa vào Danh lục Đỏ của IUCN (2011) ở mức EN (nguy cấp) để bảo tồn.
Chuột Trường Sơn thường bị người dân dân địa phương ở bản Ón xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bẫy bắt vào ban đêm ở các khu vực chân núi đá vôi có nhiều tảng đá lớn và cả trong một số hang núi trên sườn dốc cao. Loài này cũng thường bị bẫy bắt cả ở những khu rừng nguyên sinh và những khu rừng gần bản làng đã bị tác động không quá mạnh. Chuột Trường Sơn hoạt động về đêm và thức ăn chủ yếu là thực vật. Qua nghiên cứu mẫu vật, chất chứa dạ dày của loài này chủ yếu là các mảnh vụn thực vật và một ít mảnh vụn côn trùng. Các đặc điểm hình thái răng hàm, kích thước dạ dày, ruột thừa và ruột tịt lớn cũng chứng tỏ đây là loài thú ăn thực vật. Người dân địa phương cho biết, thú cái của loài này thường chỉ mang một thai duy nhất.
Chuột Trường Sơn (Laonastes aenigmamus)
(Nguyễn Xuân Nghĩa, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật)