• 13/12/2013 16:34:52 | 1353 lượt xem

Vẻ đẹp lay động lòng người ở “thiên đường” Phong Nha

Di sản thiên nhiên này hiện đang là điểm đến thu hút khá nhiều du khách. Đến Phong Nha, chúng tôi xuống thuyền máy đi theo sông Son vào động Phong Nha. Sông Son rộng chừng 35-40 mét, nước xanh ngắt, trong thấu đáy, nhìn rõ cả những đàn cá đang bơi. Nước xanh, nhưng người ta gọi là sông Son vì vào mùa mưa, nước mưa bào mòn đất đá ở các triền núi đổ xuống làm nước sông đỏ giống như màu gạch son.

 

du lich quang binh, quang binh travel, động phong nha, du lịch động thiên đường

Vẻ đẹp động phong nha

 

Song cũng có một câu chuyện ly kỳ khác ra đời từ thời khai thiên lập địa. Chuyện kể ngày xưa, có vị tiên sư đại pháp người Trời thường xuống du ngoạn cảnh hạ giới, thấy yêu mến nơi này bèn ở lại rồi dạy dân cách làm ăn. Một năm kia xảy ra đại hạn, muôn vật khô héo; để cứu dân, vị tiên sư đại pháp lén về Trời khơi trộm nguồn nước từ thiên cung chảy xuống nơi là dòng sông Son bây giờ. Dòng nước tưới mát cỏ cây, cứu sống muôn loài, nhưng vị đại sư bị triệu về Trời chịu hình phạt. Dân làng cảm kích tấm lòng son của vị đại sư nên đặt tên cho sông này là sông Son. Sông Son chảy từ động Phong Nha và nối vào sông Gianh.


Hai bên bờ sông Son là những ngọn núi cũng xanh ngắt. Thuyền máy chở khách du lịch chạy xuôi ngược san sát trên sông. Thi thoảng mới gặp vài cái thuyền nhỏ đánh lưới cá, vớt rong rêu; đôi chỗ thấy cảnh bờ tre ngọn uốn cong mềm mại, lũ trẻ con ra tắm sông, nô giỡn trong làn nước; cũng trên dòng sông ấy, du khách cũng có thể bắt gặp hình ảnh những gội đầu trên những cây cầu tre  của những cô thôn nữ xen lẫn tiếng cười nói trong veo giữa núi rừng nơi đây. Khung cảnh thật thanh bình và dễ làm cho người ta nhớ đến một vùng nông thôn xa ngái nào đó tận trong ký ức…


Một số người đã từng đi thuyền trên sông Ly, Quế Lâm, Trung Quốc bảo rằng, khung cảnh sông Son có nét tựa sông Ly. Cũng một dòng chảy giữa hai bờ là các dãy núi. Có cái khác là sông Ly dài hơn, đi thuyền máy mất cả buổi, núi cũng hiểm trở hơn trùng điệp. Thế nhưng, ở Trung Quốc những cảnh thôn giã như thế là do sắp đặt theo kịch bản, còn ở Việt Nam, đây là cảnh thật, chính sự thật dân giã ấy đã làm lay động lòng người khi đến với Phong Nha.


Thuyền du lịch trên sông Son trang trí đầu rồng nổi bật trên mặt dòng sông. Bến thuyền ngăn nắp. Người lái thuyền cho hay, dân Phong Nha bây giờ đổ tiền ra làm nghề dịch vụ du lịch, trong đó có nghề đưa đón khách bằng thuyền, đời sống vì thế khấm khá hơn.

 

du lịch quảng bình, khám phá quảng bình, động phong nha, động thiên đường, suối nước mooc

Vẻ đẹp lay động lòng người ở “thiên đường” Phong Nha

 


Thuyền tắt máy, người chèo thuyền dùng sào đưa thuyền lặng lẽ tiến vào trong lòng động Phong Nha. Cửa động hình thang, cao chừng 10 mét, rộng 20-25 mét. Lọt vào trong động, cảm giác oi nồng của mùa hè nơi miền Trung gió Lào bay biến đi lúc nào. Cảm giác này ai cũng nhận rõ. Thế nhưng, cảm giác về một thế giới u linh, kỳ thú … trong động huyền ảo lại mang đến cho du khách những cảm nhận khác nhau trong mỗi người.

Theo tài liệu, Phong Nha đã có nhiều người đặt chân đến; từ xa xưa người Chăm và người Việt đã khám phá động Phong Nha và dùng nó vào việc của mình. Các sử gia phong kiến, các nhà thám hiểm phương Tây, các nhà khoa học Việt Nam, và đông đảo nhất là khách du lịch trong nước và nước ngoài đã lần lượt đến đây để tìm hiểu và khám phá.


Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi:  “Lưng động dốc như vách, âm u sâu thẳm, trong động thạch nhũ rủ xuống, hoặc như cây hoa, chuỗi ngọc, hoặc như tượng Phật, hoặc như gấm vóc, phong cảnh thanh u…”.  Tháng 7-1924, nhà thiên văn người Anh là Baton thám hiểm Phong Nha 14 ngày. Ông nói  rằng, Phong Nha đẹp như một mê cung không kém gì các hang động nổi tiếng thế giới.


Theo các nhà khoa học, quá trình phong hóa tạo thành hang động ở Phong Nha là quá trình tự nhiên đã diễn ra từ cách đây 250 triệu năm. Dạng địa hình chính của Phong Nha-Kẻ Bàng là núi đá vôi và núi đất, độ cao trung bình 600 mét, thành hẹp, vách đứng. Động Phong Nha nằm ở phần đông nam khối núi đá vôi Kẻ Bàng trong một vùng đá vôi bị phong hóa mạnh, diện tích khoảng 10.000 km2, kéo dài 200 km trên phía bắc dãy Trường Sơn, thông sang Lào. Ở khối núi đá vôi này có hiện tượng nước chảy ngầm. Dòng chảy trên mặt có thể nhìn thấy là các con sông Son, Troóc, Chày, Rào Thương bắt nguồn từ các con suối nhỏ, đến hang Én thì suối lớn chảy ngầm vào lòng núi đá vôi để tạo thành các hang động. Tùy theo hình dạng của dòng nước chảy mà thạch nhũ cũng có những hình dạng khác nhau.


Nước chảy, đá mòn! Sự xâm thực hóa học đó của nước mưa vào đá vôi đã gây ra tình trạng cắt xẻ mãnh liệt ở các dãy núi, khối núi, tạo thành những địa hình đa dạng: Lòng núi bị đào thành hang động, đường hầm, sông ngầm, giếng sâu; các khối núi bị tách thành vách dựng đứng và những cảnh tượng lạ lùng…

Sau khi thăm động nước Phong Nha, du khách có thể đi thăm động khô là động Tiên Sơn. Gọi Tiên Sơn là động khô vì nó không ăn thông với Phong Nha, “treo” ở độ cao 200 mét trên trần động Phong Nha.


Động Tiên Sơn dài 800 mét, là cặp “song sinh” với động Phong Nha, cũng là tuyệt tác của thạch nhũ. Người ta bảo, nếu Phong Nha đẹp như thủy cung của vua Thủy Tề, thì Tiên Sơn đẹp như tiên giới của Ngọc Hoàng thượng đế. Sông Son và động Phong Nha đã có câu chuyện cảm động về vị đại sư cứu nhân độ thế, thì Tiên Sơn có chuyện về tình yêu giữa người con trai dũng cảm của trần gian với nàng tiên giữ thanh bảo kiếm của nhà Trời.


Chàng trai đã một phen liều mình vượt núi cao vực thẳm đi tìm các tiên nữ để mượn bảo kiếm về trừ diệt loài thủy quái đang làm hại dân lành. Thừa lúc các nàng tiên trút bỏ xiêm y trên bờ để xuống suối tắm, chàng lén lấy được bảo kiếm, nhờ đó diệt được yêu quái, trừ hại cho dân. Khi trở lại nơi ở của các tiên nữ để trả kiếm thiêng, thấy tiên nữ nọ ngồi khóc vì để mất kiếm, chàng trai đã thổ lộ hết sự tình. Nghe xong, nàng tiên cảm phục mà đem lòng yêu chàng, thạch động này từ đó trở thành nơi hò hẹn của hai người. Cho nên nói Tiên Sơn đẹp như tiên giới là vậy…

BACK TO TOP