• 27/08/2014 10:35:44 | 1047 lượt xem

Chắt chắt sông Gianh

Dài khoảng 160km, bắt nguồn từ đỉnh Cô-Pi (núi Hoành Sơn) và được hợp lưu bởi những dòng chảy khởi nguồn từ dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, sông Gianh còn được phụ lưu hữu ngạn là sông Troóc (sông Son) đổ về rồi chảy ra biển. Sông Gianh còn có tên là Đại Linh Giang, là dòng sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, đi qua nhiều làng mạc, qua nhiều danh thắng của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Quảng Trạch.
 
 

Ảnh: Một khúc sông Gianh. 


Dòng sông Gianh với nguồn nước mang ba vị: vị ngọt ở thượng lưu, vị lợ và vị mặn ở hạ nguồn đã góp phần định hình nên miền đất danh thắng và nền văn hóa đặc sắc của vùng Bắc Quảng Bình.

Khúc sông Gianh chảy qua các làng Phù Hoá, Cảnh Hóa thuộc hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa dài chừng 5km, đây là vùng giao thoa giữa nước lợ và nước ngọt.  Hàng năm, vào cuối tháng hai và đầu tháng ba Âm lịch, sau những cơn mưa giông, nước ngọt đầu nguồn đổ về, gặp nước lợ từ dưới cửa biển dâng lên. 

Trong không gian khoáng đạt, hai dòng nước “trai tráng” và “nữ nhi” ấy chảy hòa vào nhau, nồng nhiệt như một cuộc hoan lạc vĩ đại của nước, để rồi sinh ra hàng triệu con hến bé nhỏ mà người dân địa phương gọi là chắt chắt. 

Mỗi khi vào vụ, người dân đôi bờ sông Gianh lại trầm mình trong nước để cào về những con chắt chắt, và từ đây, chắt chắt sông Gianh theo chân các thương lái đến chợ gần chợ xa. Mỗi năm một vụ hến đã mang đến nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây. 

Người dân vùng Cảnh Hóa, Phù Hóa ban đầu mò chắt chắt chỉ để làm thực phẩm cho gia đình, dần dần vị ngọt mát của những con chắt chắt đã trở thành món ngon của nhiều người và còn là sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu vùng sông Gianh.

Trên mặt sông yên ả, những người cào chắt chắt lặng lẽ và cần mẫn với công việc quen thuộc. Một mẻ cào mang nặng mồ hôi và sự nhọc nhằn của người dân miền sông nước; những chú chắt chắt lẫn trong cát, lẫn trong đá được sàng sảy rồi đổ lên thúng. Từ mẻ này đến mẻ khác, người đi thu hoạch chắt chắt ngầm mình trong nước, phơi lưng dưới trời; hến từ đáy sông, lứa nọ đến lứa kia theo thủy triều lên rồi lại xuống sinh sôi nảy nở như một nguồn tài nguyên bất tận.

Cuộc sống của người dân miền sông Gianh thanh bình, chậm rãi với nhịp sống đều đặn. Sáng cào chắt chắt, chiều quang gánh lên chợ; mỗi năm hai vụ lúa, ngô, lạc; cuộc sống giản dị ấy đã nuôi lớn biết bao con người của miền đất khoa bảng, hiếu học. 

Nếu bạn có dịp được thưởng thức một bữa cơm quê với món chắt chắt được chế biến theo phong cách của người dân vùng sông Gianh thì không thể quên được hương vị độc đáo của món ăn này.
 

Ảnh: Du khách trải nghiệm cào chắt chắt. 


Chắt chắt được rửa rất kỹ, để ráo, đun nước thật sôi mới thả vào, bỏ ít muối hạt, dùng bó đũa đánh nhiều lần để vỏ chắt chắt nở ra, mặt rời vỏ, sau đó đem chắt chắt ra đãi. Nước nấu chắt chắt để làm nước dùng rất ngon.

Chắt chắt được xào với mít non, xào sả ớt; ngoài ra, chắt chắt còn được dùng để nấu canh rau tập tàng; đặc biệt, cháo chắt chắt được nấu với gạo lúp búp là món ăn mang nét rất riêng của vùng sông Gianh (Quảng Bình).

Lấy bánh đa xúc chắt chắt, dùng đũa gắp một ngọn rau thơm để lên trên và đưa vào miệng. Từ từ nhai để tận hưởng cái giòn tan của bánh đa, cái hương thơm của vị vừng, cái ngầy ngậy của chắt chắt, có một chút cay của ớt, một chút nồng của tiêu, một chút thơm của hành... làm cho người thưởng thức không thấy ngán và muốn ăn thêm.

Một lần thưởng thức món chắt chắt sông Gianh, bạn sẽ muốn có lần thứ hai, lần thứ ba và còn nhiều lần hơn nữa. Chắt chắt sông Gianh được sản sinh từ nguồn nước mát lành, vị ngọt đậm đà của món chắt chắt được chế biến dân dã mang đậm hồn quê. Thưởng thức món ăn chắt chắt vùng sông Gianh để hiểu hơn về cuộc sống nơi đây, gần hơn với những con người ở miền đất in đậm dấu ấn văn hóa Bắc Quảng Bình.

Các bài viết khác

BACK TO TOP