- 27/08/2014 14:24:24 | 1325 lượt xem
Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 7: Chủ nhân kỳ lạ của rừng già
Giữa trùng điệp rừng thẳm Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn có những tộc người ít ỏi sống quần tụ với nhau. Những con người kỳ lạ này là chủ nhân của rừng, góp phần bảo vệ rừng ngày càng xanh tươi, phong phú.
>>Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 4: Những người có duyên với hang động
>>Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 3: Những phát hiện chấn động
>>Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 2: Mê cung Phong Nha
>>Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 1: Thiên đường trên trái đất
Ông Đinh Rầu chăm sóc rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ở xã Tân Trạch - Ảnh: Trương Quang Nam. |
Sống biệt lập
Khi thành lập Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, người ta phát hiện trong vùng lõi của Vườn có một nhóm mười mấy người sinh sống trên bãi đất khá bằng phẳng, họ và dân trong vùng gọi là bản Đoòng. Vị trí này chỉ cách hang Én và động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng một đoạn.
Năm 2008, nhờ sự hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm Vườn, tôi đã trèo đèo lội suối đến với bản Đoòng. Đường đến bản chỉ là lối mòn nhỏ, men theo các triền đá, nhiều đoạn dốc cao thăm thẳm, đất trơn trượt, đá lởm chởm, phải bám vào rễ cây hoặc múi đá tai mèo hai bên để đi.
Bản Đoòng với những ngôi nhà nhỏ cũ nát, ít ỏi nằm rải rác chẳng giống như những bản làng khác. Bản không có trường học, trạm xá. Cuộc sống biệt lập khiến người bản tỏ ra lạ lẫm, rụt rè với người ngoài. Thấy tôi đến, dân bản tập trung đông ở nhà của già làng dò xét. Thực ra, người trong bản đều là anh em họ hàng với nhau, ngày xưa họ đến đó lập nhà dựng bản vì đói kém và tránh bom đạn chiến tranh. Già làng Nguyễn Sĩ Trắc (mọi người hay gọi là bố Tòa) cho biết bản có 11 hộ, 49 khẩu. Trong đó, có 4 gia đình là con của ông Trắc, còn lại là con cháu, anh em của chú bác ruột. Thế nên dân bản tuyệt đối không được yêu và lấy nhau. Trai gái đều phải lấy người ngoài. Con trai còn có sức, có độ lì để lặn lội đi tìm vợ bản khác chứ con gái chỉ biết ngồi ngóng chờ. Vì thế, một số thiếu nữ bản Đoòng sống cảnh hiu hắt, chiều chiều ngồi thẫn thờ sau song cửa.
Cách bản Đoòng 2 ngày đường về hướng Tây Bắc, sát biên giới Việt - Lào có tộc người Ma Coong và A Rem sinh sống thuộc địa giới hành chính của 2 xã Thượng Trạch và Tân Trạch (huyện Bố Trạch). Hai tộc người này đông đúc hơn và cũng ở nơi thuận tiện, có nhiều người qua lại hơn bởi nằm gần đường 20 - Quyết Thắng. Cái lạ đối với 2 tộc người này đến ngay từ cái tên. Họ có những tập tục, thủ thuật kỳ bí dù không muốn cũng phải tin. Ví như lễ đập trống của người Ma Coong. Họ cúng tế, nhảy múa và đánh trống suốt đêm cho đến khi trống vỡ thì nam nữ, trai gái dù có gia đình hay chưa đều tất thảy ùa chạy vào rừng và thoải mái tình tứ với nhau mà không sợ khuôn phép gì cả. Đó là đêm tình nhân hoang dã của rừng, sau đêm đó, ai lại về nhà nấy và họ chỉ có một đêm duy nhất trong năm đó mà thôi. Hay là những khu rừng ma không dấu vết, tục mẹ chết phải chôn con theo.
Người Ma Coong còn có nhiều biệt tài khác như ngậm sắt hay mũi rựa nung đỏ hoặc tắm nước đun sôi. Họ làm để chữa bệnh cho dân bản. Chữa lành hay không thì không ai biết chính xác, có một số trường hợp bệnh thời tiết là lành nên người ta tin. Nhưng ít ra họ làm thế với liệu pháp tâm lý vì không có điều kiện đi bệnh viện, có khi đi không khỏi nên chỉ còn cách đó thôi, họ lý giải vậy. Lành hay không thì việc ngậm sắt nung nóng trong miệng đã là một biệt tài. Tôi đã chứng kiến ông Đinh Rầu, người gốc Ma Coong sống ở bản A Rem (xã Tân Trạch) biểu diễn nung mũi rựa trên bếp lửa cho đỏ rực rồi ngậm vào trong miệng, sau đó đưa mũi rựa chà dưới lòng bàn chân.
Đó là những thủ tục trước khi thổi bệnh.
Chung tay giữ rừng
Mặc dù dân bản Đoòng sống thiếu thốn nhưng cái bụng họ biết lắng nghe, tuyệt đối không hề đốt rừng làm rẫy. Vì dân bản đã thực hiện cam kết không đốt phá rừng với ngành Kiểm lâm. Thế nên rừng luôn xanh tốt, chim muông đầy đàn.
Người A Rem mới được tìm thấy, đưa ra sống cộng đồng từ những năm 50 của thế kỷ 20. Trước đó và bây giờ, cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng nhưng hiện không còn chuyện đốt rừng, phá rừng nữa. Mà ngược lại, họ đang góp phần giữ gìn rừng di sản. Người A Rem được Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tin tưởng giao giữ 2.000ha rừng, mỗi năm, các hộ gia đình sẽ được nhận gạo trắng.
Ngoài rừng tự nhiên, người A Rem cũng đang chung thủy với khu rừng huê trồng từ năm 2003. Ngày đó, người A Rem vừa mới dời từ hang đá ra bản mới, địa hình bằng phẳng nhưng ít cây cối. Tiện di chuyển và sinh hoạt nhưng người A Rem buồn vì cảm thấy thiếu rừng. Vì thế, huyện Bố Trạch quyết định xanh hóa bản làng, mang cây huê giống lên rồi hướng dẫn cho bà con trồng, che phủ đất trống và sau đó nhân rộng ra với diện tích lên đến 7ha.
Những năm đánh giặc cứu nước, rừng Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi che giấu bộ đội, thanh niên xung phong và lương thảo đạn dược. Trong điều kiện thiếu thốn, họ sống bám rừng và nhờ rừng, nhờ hang động che chắn. Hàng nghìn người từ khắp nơi đã đến Phong Nha - Kẻ Bàng mở đường, dựng căn cứ để đánh giặc và vận chuyển cơm gạo, súng đạn cho chiến trường miền Nam. Những tuyến đường bí mật được nhanh chóng mở ra và trở thành mạch máu giao thông trên mặt trận chi viện. Cũng vì thế, từng tấc đất, từng mét đường nơi đó là mục tiêu đánh phá ác liệt của quân thù. Nhiều tọa độ lửa hình thành như: phà Xuân Sơn, ngầm Ta Lê, cua chữ A, đèo Pu Lai Nhích... Chỉ riêng đường 20 - Quyết Thắng đã có 550 cán bộ, chiến sĩ ngã xuống. Giờ ở Phong Nha - Kẻ Bàng có rất nhiều di tích lịch sử. |
** Liên hệ tư vấn : Du lịch Xanh Quảng Bình
Số 64 Hoàng Diệu - Nam lý - Đồng Hới - QUảng BÌnh
Tel: 0523 836333 ( Giờ hành chính )
Mobie : 0983799123 Ms : Tường Như
Email: quangbinh@dulichxanh.com.vn/ tuongnhu.dulichxanh@gmail.com