• 27/08/2014 10:43:07 | 1357 lượt xem

Phong Nha - Kẻ Bàng: Tiềm năng đẳng cấp

Chứng thực cho công lao đáng ghi vào biên niên sử hang động thế giới ấy không phải là những bằng chứng nhận chi chít con dấu và chữ ký mà là tấm biển gỗ viết chữ bằng sơn trắng treo trước quán cà phê bình dị "MOUNTAIN RIVER CAFÉ, HO KHANH, Discovered The World's Biggest Cave!" do chính vị trưởng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert viết giúp Hồ Khanh, thay cho tấm biển "Cà phê Hồ trên núi" trước đây mà Hồ Khanh đặt tên cho quán nhỏ trong vườn nhà mình. Ngôi nhà gỗ và chiếc cột đá bên sông Son Giờ thì chúng tôi đang ngồi trong quán cà phê đó, trên tường có treo tấm bảng trắng với mấy từ tiếng Anh đơn giản "day, week, month, year" (ngày, tuần, tháng, năm) như được dạy theo kiểu "bình dân học vụ" của thế kỷ trước. Hóa ra đúng là có một lớp "bình dân học vụ" tiếng Anh đang mở tại quán cà phê của Hồ Khanh, người đứng lớp chính là vợ chồng ông Howard Limbert. Mỗi tuần hai buổi chiều hoặc tối, ông bà đến dạy cho những người dân trong thôn Phong Nha này. Cũng thật lạ, ở ngay cái "rốn" của một di sản thế giới nổi tiếng mà không gian của ngôi làng Phong Nha này chưa có gì để gọi là có chút không khí du lịch "hội nhập", ngoại trừ những câu từ tiếng Anh của lớp "bình dân học vụ" ở thôn này. Hôm chúng tôi tới, Hồ Khanh đang loay hoay với nhóm thợ dựng ngôi nhà gỗ ngay cuối vườn, quay mặt xuống dòng sông Son. Từ đây nhìn xuống sông có thể thấy những chiếc thuyền đang chở khách ngược lên tham quan động Phong Nha. Nhìn hắt qua bờ bên kia là những hàng phượng vĩ nở hoa đỏ rực dọc triền sông, tôn thêm vẻ kiêu hãnh của những lèn đá ngang tầm mây trắng. Ảnh: Thuyền lên thượng nguồn sông Chày. Hồ Khanh cho biết, anh đang tự mày mò làm một ngôi nhà đúng điệu bản địa, nơi xưa kia hầu hết dân làng đều làm nghề sơn tràng. Đó là ngôi nhà theo mô hình "homestay" đầu tiên của thôn Phong Nha. Du khách sẽ về đây, ngủ trên bộ phản gỗ như cả trăm năm trước dân làng đã ngủ, ăn những món ăn từ rau cỏ vườn nhà, cá sông, gà đồi; chiều chiều lội xuống dòng nước trong xanh vẫy vùng tắm mát, rồi ngồi trên sàn tre trước sân hướng tầm mắt trông ra sông Son tuyệt đẹp ngắm hoàng hôn cùng với vài chai bia lạnh... Ngôi nhà cũng gần hoàn thành để cuối năm nay có thể đón khách. Từ vườn nhà Hồ Khanh, nhìn qua bờ rào lưa thưa cây có thể thấy một cây cột đá "trầu cau" sừng sững “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Đó là chứng tích của một dự án khổng lồ dự định đầu tư vào Phong Nha gần 10 năm trước, khi Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Cây cột đá ấy thật ra là một cây cau với dây trầu quấn quýt dựa theo câu chuyện sự tích trầu cau trong kho tàng cổ tích Việt Nam. Dự án được coi là "khủng" với mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng (thời giá năm 2003), với 50ha được cấp, chủ đầu tư của tác phẩm này là Công ty Phát triển văn minh đô thị (Cividec) đã kịp quảng cáo với khách du lịch rằng đây là khu nghỉ mát phức hợp, gồm: khu nghỉ mát núi, khu nghỉ mát danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát sông, khu nghỉ mát rừng... “Hiện tại các đơn vị du lịch đang làm riêng rẽ. Ví dụ trong khai thác hang động, chúng tôi làm ở Phong Nha (động Phong Nha và Tiên Sơn) thì chỉ biết Phong Nha, Tập đoàn Trường Thịnh làm ở Thiên Đường thì chỉ biết Thiên Đường. Nếu giữa Phong Nha và Thiên Đường có sự liên kết để đưa khách cho nhau, giới thiệu với du khách cho nhau về thế mạnh của từng hang động... thì sẽ rất tốt. Muốn làm vậy thì phải có một "đạo diễn" chung, một chiến lược tổng thể chung để phát triển" - Ông Lê Thanh Lợi, giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha. Nhưng cuối cùng, sau 10 năm tròn, dự án phá sản, còn lại một ngôi nhà hoang phế gần chân núi và cây cột đá, đúng nghĩa "chết đứng giữa trời". Ngôi nhà gỗ của Hồ Khanh và cây cột đá chứng tích còn lại của một dự án khổng lồ vừa là hai hình ảnh đầy tính biểu tượng về câu chuyện du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng, vừa mang dáng dấp của một câu chuyện ngụ ngôn. Không thể để đi Phong Nha một lần là đủ Đúng 10 năm trước, khi Phong Nha - Kẻ Bàng chuẩn bị đón nhận danh hiệu “Di sản thiên nhiên thế giới", chúng tôi cũng lên đây, hi vọng chứng kiến những chuyển động đáng kể cho giấc mơ đổi đời nhờ hang động của cư dân một vùng đất vốn quanh năm sống nhờ nghề sơn tràng. Và suốt khoảng thời gian 10 năm ấy, chúng tôi vẫn đi đi về về với Phong Nha - Kẻ Bàng, cứ ngậm ngùi nhìn những tiềm năng du lịch mà thiên nhiên ban cho miền đất này chủ yếu trong trạng thái “ngái ngủ”. Dù trên sông Son thuyền bè nhiều hơn, khách đến đông hơn, cuộc sống cư dân của miền di sản có khá hơn, nhưng gam màu chủ đạo của bức tranh du lịch nơi đây vẫn quá đỗi "bình dân": khách đến, theo thuyền lên động và trở về sau khi ngắm thỏa thuê vẻ đẹp của màu nước sông như ngọc bích hay những nhũ đá thiên hình vạn trạng đẹp lộng lẫy. Đi một lần để ngắm nhìn một lần rồi không biết khi nào trở lại, bởi có quay lại cũng vẫn hang động ấy, nhũ đá ấy, con thuyền ấy... Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ thật sự thay đổi từ ba năm trở lại đây khi động Thiên Đường - một vẻ đẹp đúng nghĩa "thiên đường" - được tìm thấy và đưa vào đầu tư khai thác bởi một tập đoàn du lịch khác. Cách Phong Nha chừng hơn 20 cây số trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây, động Thiên Đường với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng có lẽ là dự án được đầu tư bài bản nhất ở tỉnh Quảng Bình tính đến thời điểm này. Môi trường sinh thái, cảnh quan được bảo vệ tối đa. Hệ thống cầu gỗ dài gần cây số để du khách dạo bước tham quan hang động được chăm chút kỹ lưỡng, giúp giữ gìn và bảo vệ vẻ đẹp của những tác phẩm được "điêu khắc" bởi bàn tay thiên nhiên: nước và đá qua hàng triệu năm. Ảnh: Vẻ đẹp tráng lệ của động Thiên Đường. Nhưng dù có thêm động Thiên Đường đưa vào khai thác, du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến nhiều hơn, song đây vẫn chỉ là chuyện kết nối nhằm tiết kiệm thời gian cho một tuyến du lịch từ động Phong Nha đến động Thiên Đường. Trước đây, khi chưa có động Thiên Đường, thời gian dành cho động Phong Nha cũng chỉ mất gần một ngày. Nay có Thiên Đường, khách có thể đến Thiên Đường tham quan trong buổi sáng và sau đó vẫn kịp một buổi chiều ở Phong Nha hay ngược lại, sáng Phong Nha - chiều Thiên Đường. Và cũng chỉ có thế, nhìn ngắm vẻ đẹp biến hóa thiên hình vạn trạng mang hình ảnh của ngôi cổ tháp hay mái nhà rông, dáng hình Đức Phật hay lưu ảnh quần tiên tụ hội ẩn sau những nếp lượn của thạch nhũ. Sau một vòng bậc thang trên cây cầu gỗ từng được đưa vào kỷ lục guinness ấy, khách sẽ ra về, không biết có còn trở lại, dù rằng vẻ đẹp kỳ ảo trong hang động thật khó lòng diễn tả được. Đẹp, nhưng có lẽ là cái đẹp chỉ một lần là đủ! Và đấy chính là điều khiến du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn một nỗi niềm gói gọn trong mấy chữ: "Chưa tương xứng với tiềm năng!". Phong Nha - Kẻ Bàng gợi nhớ về Vangvieng, một thị trấn nhỏ bên những dãy núi đá vôi và dòng Nam Song, trên tuyến đường từ Vientiane đi Luang Prabang (Lào). Tò mò bởi ở đó có một hang động tên là Phu Kham được xếp vào loại "nổi tiếng", chúng tôi đã mất một buổi leo lên hang động này và kết luận cuối cùng là... cỡ Phu Kham hoàn toàn không thể so sánh với bất cứ một hang thường thường bậc trung nào trong hệ thống hang động của Phong Nha - Kẻ Bàng. Dòng Nam Song cũng không thể đẹp như sông Son và quần thể núi đá vôi càng không thể sánh được với Kẻ Bàng. Ấy vậy mà cái thị trấn nhỏ này sôi động đến kinh ngạc về số lượng du khách. Những cửa hàng, dịch vụ du lịch sôi động, những biển hiệu nhiều thứ tiếng, những quán xá hiện đại đông nghẹt khiến thị trấn chỉ mấy ngàn dân bên đường thiên lý này thay da đổi thịt từng ngày. Hẳn là bạn Lào có phương cách gì đó để hút khách mà ta phải học! Đến ngày 5-7 vừa qua, Phong Nha - Kẻ Bàng đã có chẵn 10 năm là Di sản thiên nhiên thế giới. 10 năm qua, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã đầu tư 46 tỉ đồng cho du lịch; đón hơn 3,5 triệu lượt khách du lịch (tính đến hết năm 2012), trong đó, 85.316 lượt khách quốc tế. Năm 2012 được coi là thắng lớn với 260.410 lượt khách (trong đó 10.626 lượt khách quốc tế) đến các điểm du lịch của Trung tâm Du lịch Phong Nha và 255.731 khách (có 4.275 lượt khách quốc tế) đến với động Thiên Đường. Doanh thu từ phí và lệ phí tham quan Phong Nha đạt 115 tỉ đồng.
BACK TO TOP