• 11/12/2013 15:30:18 | 1708 lượt xem

Vũng Chùa - vùng đất tứ linh


 


Vũng Chùa - Đảo Yến.

Nơi an táng Đại tướng là lưng chừng triền núi phía Nam mũi Rồng, cách ngọn mũi Rồng khoảng 1km. Mảnh đất hình vuông, cân đối, hơi phình như một gò nhỏ, hướng về phía Nam theo câu: “Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ”. Phía Bắc núi Vũng Chùa dựa vào dãy núi lớn cao trên 700m. Phía Tây, núi Sú kéo dài cao 136m, như con hổ chầu ở vị trí Bạch Hổ. Phía Đông dãy Mũi Rồng như một cánh tay dài như một con rồng lớn chạy ra biển ở vị trí Thanh Long. Phía Nam là biển rộng, đóng vai trò minh đường tụ thủy, mạch hải lưu nhẹ cấp thêm sinh khí cho huyệt mộ. Từ trên huyệt mộ nhìn xuống sẽ thấu cả một vùng biển rộng, có dòng hải lưu chảy từ hướng Tây sang phía Mũi Rồng. Qua khoảng biển rộng 400m là đảo Yến, gồm hai ngọn như chiếc bình phong chắn gió ở vị trí Chu Tước.

Vũng Chùa - Đảo Yến là thắng cảnh nằm chung trong vịnh Hòn La mà sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Trong sách nêu rõ vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển”, với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ (dân gian gọi là hòn)... Nơi đây hội tụ mạch khí chảy nghìn dặm từ Trường Sơn xuống dẫn mạch khí từ nghìn dặm Bắc đến, gặp biển tụ lại. Trước huyệt đất có hải lưu dẫn khí lưu thông mà không tán. Sinh mà tụ là thế đất tuyệt vời!

Theo người dân địa phương, đất trên núi vốn là đất núi lửa có màu đỏ hồng nhẹ, vùng mưa đều đất ẩm, cây cối xanh tươi quanh năm. Đây đúng là đất “Thái cực biên huân”, hợp với thế đất. Thêm nữa không phải bây giờ mà ngay từ ngàn xưa vùng Vũng Chùa - Đảo Yến đã là nơi chim yến tụ hội ríu rít quanh năm, là đất “tụ khí tàng phong”.

Cũng theo TS Vũ Bằng, để đánh giá nơi an táng tốt hay không, ngoài xem xét về không gian phong thủy tự nhiên, còn cần xem xét chất lượng đất ở đó có tốt không, dựa trên 2 yếu tố: Một là có mồ mả thất lạc nằm đó không, hai là tia đất (long mạch) có hay không? Là người có duyên may đã từng khảo sát, đo đạc trong quá trình thực hiện đề tài khoa học tìm mạch nước ngầm cho Quảng Bình từ năm 2006, TS Vũ Bằng khẳng định: Dựa trên 2 yếu tố vừa phân tích có thể khẳng định nơi an táng Đại tướng là đất tốt.

Nói về quá trình tìm long mạch (nước ngầm) ở Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi được coi là vùng đất nghèo nước nhất tỉnh Quảng Bình, TS Vũ Bằng nhấn mạnh: Đầu tháng 6/2006, gia đình Đại tướng, TS Bằng và kỹ sư cao cấp địa chất công trình và địa chất thủy văn Nguyễn Trọng Hoan lên đường đến Đảo Yến - Vũng Chùa. Lộ trình khảo sát dài 2,5km từ Mũi Rồng chạy dọc chân Núi Mũi, rồi quay lại theo tuyến sát biển có độ dài tương tự. Với chiếc máy thăm dò đơn giản, sau 1, 5 ngày cả đoàn lặng lẽ kiếm tìm long mạch (tia đất), 3 mạch nước đã được tìm thấy: Mạch đầu tiên dưới chân nhà sàn, vùng trung tâm dự án, độ sâu 45m, lưu lượng nước đạt 1,5m3/h; mạch thứ hai gần lạch suối, cách mạch thứ nhất nửa km, sâu 55m, lưu lượng đạt 2m3/h; mạch thứ ba, ở độ sâu 70m, lưu lượng khoảng 3m3/h ở gần đầu vào Vũng Chùa.

Sau hơn ba tháng khoan, tại vị trí dự báo đầu tiên, lỗ thứ nhất xuống độ sâu 45m có nước không nhiều; lỗ thứ hai mới ở độ sâu 30m có lưu lượng đạt 1m3/h. Tổng lưu lượng nước ở hai vị trí khoan đầu tiên đạt 3m3/h, tương đương 72m3/ngày đêm. Mỏ nước thứ ba được để lại, sẽ được khoan sau khi khu an dưỡng phát triển cần lượng nước lớn hơn.

Từ QL1A nếu ở Bắc vào, đi qua đèo Ngang, ở trong Nam ra đi qua cầu Roòn, khi nhìn thấy bảng lớn chỉ vào Khu cảng Hòn La, rẽ theo con đường ấy, thêm khoảng 1km, tiếp tục rẽ phải chạy thẳng đến chân đồi thông là nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ bãi để xe, đi 103 bậc rất thấp và thoáng là lên tới mộ.

Nhà báo Nguyễn Quang Vinh, một người con quê hương Quảng Bình, vẫn bám đất Vũng Chùa suốt mấy ngày sau lễ an táng Đại tướng viết những dòng cảm xúc chia sẻ trên mạng xã hội: “Người nằm vị trí quá tuyệt vời, đầu quay về núi, từ vị trí này mắt Người ôm cả biển Đông. Mộ Người được phủ trong cát trắng Quảng Bình, trên nền đất núi là cát trắng tinh, trắng lắm, màu trắng nghẹn lắm, trắng như nước mắt... Từ mộ của Người nghe rất rõ tiếng suối chảy róc rách, nghe rất rõ tiếng sóng biển, nghe rất rõ tiếng rừng cây xào xạc, và nghe rất rõ cả một tiếng gà gáy”.

Vũng Chùa - Đảo Yến nằm trong khu vực Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, dưới chân Đèo Ngang. Đây là nơi mà với tầm phát triển của 10 năm nữa thôi, sẽ là một khu kinh tế biển, du lịch cực lớn và đầy tiềm năng. Hòn La còn là cảng biển được coi là sâu và lý tưởng nhất nước ta.

Khu vực biển Vũng Chùa được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. Vũng Chùa - Đảo Yến là một khung cảnh mênh mông và thơ mộng.

 

Vũ Huyền

Các bài viết khác

BACK TO TOP