• 27/08/2014 10:31:20 | 923 lượt xem

Mô hình du lịch cộng đồng bản Tà Vờng

Bản Tà Vờng là một trong ba bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trước kia, bản Tà Vờng ở cách địa điểm hiện tại hơn 2km phía sâu trong núi, bên kia con suối Tà Leng. Do địa hình dốc, đến mùa mưa lũ, đất bị xói lở, gây nguy hiểm cho bà con nên chính quyền và bộ đội Biên phòng đã vận động bà con dân bản di chuyển về xây dựng bản mới trên một ngọn đồi nhỏ nằm sát bên bản Dộ. Những ngôi nhà sàn mới vững chắc, khang trang được xây dựng từ Chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện bằng nguồn vốn do Công ty Cảng dịch vụ dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ, được khánh thành vào đầu năm 2012. Bản Tà Vờng mới với 25 hộ, 136 nhân khẩu, chủ yếu là tộc người Mã Liềng và người Mày thuộc dân tộc Chứt. Trong hai ngày, đoàn đã cùng ăn ở với bà con dân bản, tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội và những điểm ngắm cảnh trên các dòng suối xung quanh bản. Người dân Tà Vờng vẫn còn giữ được những lễ hội đặc trưng của dân tộc mình như: Lễ cúng Giang Sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ mừng lúa mới…. Là một bản được di dời đến địa điểm mới gần 2 năm nên môi trường xung quanh bản khá sạch sẽ, cảnh quan núi non hùng vĩ. Đứng ở bản có thể nhìn thấy những thác nước từ khe núi bên cạnh, con suối Tà Leng bắt nguồn từ Lào đổ về chạy quanh ôm lấy bản nhỏ. Với những bậc đá tạo thành vô số những thác nước nhỏ rất thích hợp cho mô hình trượt thác bằng thuyền cao su. Tuy vậy, cũng giống như những bản vùng cao của các nhóm dân tộc ít người khác, Tà Vờng vẫn đang rất khó khăn. Du lịch cộng đồng có lẽ là hướng đi khả thi nhất mang đến những cơ hội để tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao nhận thức cho người dân Tà Vờng. Hiện nay, đa số các nhóm dân tộc thiểu số chưa được hưởng nhiều lợi ích từ việc phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, do đó, du lịch cộng đồng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như đời sống của người dân địa phương nơi đây. Nhiều ý kiến tham gia góp ý của các thành viên trong đoàn khảo sát đã được Dự án ghi nhận, trên cơ sở đó, hợp phần GIZ sẽ xây dựng Đề án hoàn chỉnh sát với thực tế địa phương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Các bài viết khác

BACK TO TOP